25/11/2020 177 lượt xem
Phóng to/ thu nhỏ chữ:

Núi Thiên Mã & dòng sông Kinh

Trong những cảnh vật kỳ thú ở bờ tả sông Trà Khúc, cửa Cổ Lũy, không thể không kể đến núi Thiên Mã và dòng sông Kinh (TP.Quảng Ngãi). Núi Thiên Mã nay đang xây dựng khu văn hóa Phật giáo, đứng bên bờ cây cầu đang xây dựng sát bên cửa biển, còn dòng sông Kinh lại gắn với nhiều cảnh quan mà khách đến Khu du lịch Mỹ Khê không thể bỏ qua.

nui-thien-ma-view-tra-khuc

Thiên Mã có nghĩa là ngựa trời. Lệ thường khi có ngọn núi thiêng liêng thì người ta có gắn với chữ Thiên, có nghĩa là trời, như Thiên Ấn, Thiên Bút. Dân gian thường gọi núi này là núi Ngựa. Ca dao xưa có câu: “Bao giờ Thiên Mã sang sông/ Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu”.

 Tham khảo thêm: Đất nền dự án Phú An Khang (KĐT mới Nghĩa Phú) bên kia cầu Cổ Lũy

Hai chữ Thiên Mã cũng có khi đọc là “núi Ngựa” là vì vậy. Nhưng ít người biết, xưa núi này còn có tên là Gióng. Ngư dân đánh bắt ngoài biển nhìn vào đất liền, thấy núi rõ mồn một, cận kề là núi Đầu Voi hay núi Tranh (vì có nhiều cỏ tranh), lại có câu ca: “Ngó vô Tranh, Gióng giao kề/ Tiếng oan anh chịu, em về tay ai”. Em về tay ai mà tiếng oan anh chịu, thì có liên quan gì với hai ngọn núi Tranh, Gióng giao kề? Nó tựa một truyền ngôn bí ẩn.

song-kinh-giang-tinh-khe

Không biết xem thế địa cuộc sao đó, từ xưa núi Thiên Mã không hề có chùa như nhiều núi khác tương tự, như núi Thiên Ấn, núi Thình Thình. Tôi lạc lối đến phía chân núi gần cửa Cổ Lũy hàng chục năm trước đây, chỉ thấy có một ngôi miếu nho nhỏ dưới chân núi (nay còn ở vệ đường trải nhựa). Hồi này, tôi đến các căn nhà gần cửa sông, trong tre pheo và cây cối rợp bóng, lá cây rụng đầy khắp mọi nơi, người vắng, không khí tĩnh lặng buồn hiu. Dông núi Thiên Mã đầy sỏi, người địa phương trồng các loài cây lớn, như bạch đàn, phi lao.

>>> Xem ngay: Đất Tịnh Khê giá rẻ cạnh biển Mỹ Khê

Còn ở triền núi thì trồng rau đậu để làm kế sinh sống. Phía tây núi là xã Tịnh Long, phía đông núi là thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (đều thuộc TP.Quảng Ngãi). Thời chiến tranh, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đóng đồn trên núi. Tôi lại đi dọc thôn Cổ Lũy, bờ đông sông Kinh nhìn về phía tây là Thiên Mã, còn ghi lại được những chi tiết hoang sơ của núi. Nét hoang sơ này giờ không thể còn, khi núi được đào đắp cật lực bởi các dự án.

view-cau-co-luy

Nói đến vùng này lại không thể quên sông Kinh. Sông Trà Khúc đổ nước ra đến gần bên biển, không hiểu thế nào, lại mở một đường nước khác, phía đông chân Thiên Mã, chảy dọc ra hướng bắc, quanh co khuất khúc xẻ dọc rẻo phía đông xã Tịnh Khê là thôn Cổ Lũy, đổ nước ra đầm thuộc xã Tịnh Kỳ, dài ngót nghét 6, 7 cây số.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Cao Minh, quê nhà ở vùng bờ tây sông Kinh, có lần kể với tôi rằng dòng sông Kinh xưa rất đẹp, nước sông trong xanh, có rừng dừa nước, đôi bờ là rừng bần, rừng đước, đến mùa hoa nở ngát hương, trắng xóa suốt dọc sông. Từ sông Kinh, người bên bờ nam cửa Cổ Lũy vượt cửa sông, chèo thuyền theo sông Kinh ra hướng Sa Kỳ để buôn bán. Ghe thuyền đi lại trên sông tấp nập.

nui-thien-ma-quang-ngai-1

Trên sông Kinh còn có rất nhiều rớ bè của người dân đánh cá. Người ta ăn, ngủ, sinh hoạt trên bè. Từ ấy mà các câu ca, điệu hát trên sông Kinh mới hình thành và lưu truyền. Cô nàng đi buôn chèo ghe dọc sông thấy anh chàng dân vãi chài ngâm mình dưới dòng nước, mới mở giọng hát trêu ghẹo: “Mồ cha tám kiếp cái lão chài/ Cha ông gì bắt mà nằm dài dưới sông”. “Lão chài” bèn hát đáp lại: “Em ơi chớ có thày lay/ Anh vung một cái bằng ngàn ngày em đi buôn!”.

nui-thien-ma-quang-ngai

Người ta còn sáng tác nhiều câu ca khác để chòng ghẹo dân sống bè rớ: “Con ơi hãy lấy trai cày/ Đừng lấy chồng bè rớ có ngày chết trôi!”… Người bè rớ phản bác lại bằng cách tự ca ngợi mình bằng nhiều câu ca, như: “Em về bè rớ thì mê/ Gạo chợ đem về, cá mắm khỏi mua”.

chua-minh-duc

Về sau này, do xã hội chuyển đổi, người ta không còn làm bè rớ và cũng không sống dưới bè rớ nữa.

Trên dòng sông Kinh nước triều lên xuống cũng tạo nên những cảnh ngoạn mục. Khi nước triều rút, hàng trăm người dân không ai bảo ai liền hình thành một đoàn dàn hàng ngang cầm nơm ra sông úp cá. Câu thơ của ông Võ Nhự, người xã Tịnh Khê “Đoàn người Đồng Nón đi nơm ban chiều” phản ánh thực tế này. Đồng Nón là tên dân gian của xóm Khê Bình, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê.

chua-minh-duc-quang-ngai

Lòng sông Kinh có rất nhiều loài thủy sản đặc trưng, đặc biệt là sò huyết, chằm chặp, lịch… mà nhiều thứ trong số đó khách du lịch Mỹ Khê vẫn còn được thưởng thức. Tiếc rằng cho đến nay chưa có dự án nào phục hồi hệ sinh thái sông Kinh, trong bối cảnh mà chung quanh nó rất nhiều thứ đang được xây dựng, với rất nhiều tiền của.

Bài: http://baoquangngai.vn/channel/2047/202005/nui-thien-ma-va-dong-song-kinh-3001558/

“CHÙA MINH ĐỨC VÀ KHU VĂN HÓA THIÊN MÔ nằm bên dòng sông Trà Khúc, nhìn về phía cầu Cổ Lũy!

Dự án có tổng số vốn lên tới 1 nghìn tỷ đồng (thời gian thực hiện 05 năm, từ năm 2018 – 2022, hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2022). Chủ đầu tư là trụ trì Chùa Linh Phước (Ngôi chùa giữ 11 kỷ lục Việt Nam), thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Người đại diện: ông Nguyễn Qưới; Sinh năm: 1957; Pháp danh: Thích Tâm Vị – là người con của quê hương Núi Ấn Sông Trà.

khu-van-hoa-tam-linh-thien-ma-1

Chùa Minh Đức và khu văn hóa tâm linh Thiên Mã tọa ngự trên núi Thiên Mã với tổng diện tích hơn 90ha. Chùa đang chuẩn bị thi công tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm nhìn ra biển cao 122m (cao nhất Việt Nam), với vị trí địa lý tuyệt đẹp, cuối sông Trà Khúc, hướng nhìn ra cửa biển, đây sẽ là một công trình tâm linh tầm cỡ của đất nước.

Đối với Quy hoạch chi tiết Khu Văn hóa Thiên Mã thành phố Quảng Ngãi có diện tích gần 100 ha, bao gồm 34,6 ha ở khu vực Núi Thiên Mã (Núi Ngang), xã Tịnh Long và 55,4 ha ở xã Tịnh Khê. Chánh điện được xây dựng có diện tích khoảng 10.800m2, cao 37m, kinh phí hoàn thành dự kiến trên 300 tỷ đồng.

khu-van-hoa-tam-linh-thien-ma

Đây là khu văn hóa tâm linh phật giáo bao gồm 11 khu vực: khu bố trí Tượng Phật, khu Quảng Trường, khu chùa Minh Đức, khu bảo tàng phật giáo, khu bảo tháp, khu Long Hoa Viên, khu vườn Bạch Mã, khu Thập Pháp giới, khu Thiền Đường, khu Phương y đường và khu Nội viên.

Các khu vực tâm linh, phật giáo, bảo tàng, kết hợp hài hòa với hệ thống cây xanh, đồi núi, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hướng biển, đa dạng hóa các loại hình du lịch của Quảng Ngãi.

Dự án Khu Văn hóa Thiên Mã khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Quảng Ngãi và là điểm du lịch tâm linh, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch Quảng Ngãi. Trong tương lai, nơi đây không chỉ là Khu văn hoá tâm linh phật giáo trong tỉnh mà sẽ còn là 1 trong những khu văn hóa tâm linh lớn nhất được cả nước biết đến.

Tác giả: Phúc Trịnh