13/06/2021 370 lượt xem
Phóng to/ thu nhỏ chữ:

Làm thế nào để nhận biết sổ đỏ THẬT – GIẢ?

Thưa các bạn, ngày nay có nhiều thủ đoạn tinh vi làm giả sổ đỏ, sổ hồng khiến nhiều người lo lắng, hoang mang. Làm thế nào có thể phân biệt được sổ thật, sổ giả để tránh rủi ro về pháp lý là điều nhiều người đang quan tâm.

Bạn biết đó, với công nghệ như hiện nay việc in ấn sổ giả rất tinh vi, bằng mắt thường khó có thể nhận biết đâu là sổ hồng giả, đâu là sổ đỏ giả. Để đề phòng tiền mất tật mang, khách hàng cần nâng cao kiến thức nhận biết, thận trọng trong việc mua bán, sang nhượng bất động sản.

Thứ nhất, xem kỹ số seri hay mã vạch in tại cuối trang 4 sổ hồng.

Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST.

Trong đó, MX là mã xã (phường) cấp GCN; MN là mã năm cấp GCN; ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dãy số mã vạch có thể có 15 hoặc 13 chữ số. Trường hợp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh thì dãy số có 15 chữ số, các trường hợp còn lại dãy số sẽ có 13 số.

cach-kiem-tra-so-do-that-gia

Ý Nghĩa Số Mã Vạch Trên Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất

Mã vạch trên giấy chứng nhận (Mã vạch trên sổ hồng) bắt đầu áp dụng 10/12/2009 khi Thông tư 17/2009/TT-BTNMT ngày 21 tháng 10 năm 2009 có hiệu lực và áp dụng chính thức cả nước chậm nhất 01/07/2010

Mã vạch trên giấy chứng nhận | Mã vạch trên sổ hồng ý nghĩa gì?

Ý nghĩa mã vạch của sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định tại Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như sau:

1. Mã vạch được in tại cuối trang 4 khi cấp Giấy chứng nhận.

2. Mã vạch được dùng để quản lý; tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận; nội dung mã vạch thể hiện dãy số nguyên dương, có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST

Ý nghĩa mã vạch trên giấy chứng nhận

a) MX (có 5 chữ số) là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam; trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất.

Trường hợp cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất;

b) MN (có 02 chữ số) là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận;

c) ST (có 06 chữ số) là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp một hồ sơ đăng ký mà ghi vào một Giấy chứng nhận không hết, phải ghi vào nhiều Giấy chứng nhận để cấp theo quy định tại Điểm c Khoản 9 Điều 6 và Khoản 8 Điều 7 của Thông tư này thì các Giấy chứng nhận này được ghi chung một số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai đó.

Mã vạch trên giấy chứng nhận (Mã vạch trên sổ hồng) gồm 13 chữ số.

cach-kiem-tra-so-do-that-gia-6

Giải mã trên: Xã Phước Đồng, Nha Trang, năm 2018, mã hồ sơ 804623.

Mã vạch trên giấy chứng nhận (Mã vạch trên sổ hồng) gồm 15 chữ số. Có thêm mã tỉnh (02 chữ số)

cach-kiem-tra-so-do-that-gia-6

Giải mã trên: Tỉnh Khánh Hòa, Xã Diên An, năm 2020, mã hồ sơ 000415.

Lưu ý: Mã đơn vị hành chính có thể tra tại trang: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-124-2004-QD-TTg-bang-danh-muc-ma-so-don-vi-hanh-chinh-Viet-Nam-52328.aspx

Thứ hai, kiểm tra mẫu Giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT TT-BTNMT.

Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Giấy chứng nhận gồm một tờ có bốn trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và trang bổ sung nền trắng, mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm, bao gồm các nội dung theo quy định như sau:

Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ.

Mục I: Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm hai chữ cái tiếng Việt và sáu chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

cach-kiem-tra-so-do-that-gia-1

Trang 2 in chữ màu đen gồm

Mục II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó có các thông tin về:

– Thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú;

– Ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận;

– Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;

Trang 3 in chữ màu đen gồm

Mục III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Mục IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận;

Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch;

Các nội dung trên của Giấy chứng nhận do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai) tự in, viết khi chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Thứ ba, kiểm tra tại cơ quan có thẩm quyền Văn phòng đăng ký đất đai.

Ở các cơ quan này sẽ kiểm tra được thông tin thửa đất chính xác; kiểm tra được mã vạch của sổ, dễ nhận biết được sổ thật hay sổ giả.

Trước tình trạng sổ giả xuất hiện nhiều như hiện nay, khi thực hiện mua bán nhà đất, người dân nên kiểm tra tính chính xác của giấy chứng nhận trước khi giao tiền.

Ngoài ra còn có một số cách kiểm tra sổ đỏ thật – giả khác như

Kiểm tra sổ hồng giả bằng kính lúp

Sổ hồng, sổ đỏ thật được in bằng phương pháp in offset nên màu sắc rất sắc nét, màu mực đồng màu trên cùng một chi tiết in. Còn giấy tờ giả mạo do in màu kỹ thuật số nên chi tiết in không sắc nét, trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực có màu đậm nhạt khác nhau.

cach-kiem-tra-so-do-that-gia-2

Dùng đèn pin hoặc nguồn sáng khác để kiểm tra sổ hồng giả

Chiếu xiên một góc 10-20 độ với mặt giấy tại vị trí có hình dấu ở góc dưới bên tay phải của mặt trước phần dấu nổi (ở góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng) có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữ dấu nổi, được tạo ra bằng phương pháp in Typo. Nếu sổ hồng là giả, mã số hiệu được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên mã số hiệu thường bị đóng lệch so với hình dấu nổi.

cach-kiem-tra-so-do-that-gia-3

Kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học

  • Số tờ, số thửa, mã vạch.
  • Số vào sổ quyết định
  • Loại đất
  • Thời hạn
  • Hình thức sử dụng
  • Diện tích (bằng số, bằng chữ).

cach-kiem-tra-so-do-that-gia-4

Đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung (in offset), dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích…) Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường.

Nếu phát hiện sổ giả, người phát hiện có thể tố giác với cơ quan công an. Người làm giả sổ có thể xem xét chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo quy định, người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Bị phạt tù từ 2 – 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; từ 2 lần trở lên; làm từ 2 – 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu đó thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 – dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.

Bị phạt tù từ 3 – 7 năm, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: làm giả 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.

Cần tư vấn bất động sản tại Quảng Ngãi, vui lòng liên hệ Phúc Trịnh qua số: 0979 68 1779

Tác giả: Phúc Trịnh