26/05/2021 244 lượt xem
Phóng to/ thu nhỏ chữ:

A – Z Tâm sự nghề môi giới Bất Động Sản (P1)

Một vài bí kíp “bỏ túi” cho môi giới mới vào nghề.

Môi giới là một trong những nghề khá hot trên thị trường. Tuy nhiên, tỉ lệ môi giới bỏ ngang cũng khá nhiều. Lý do thì có nhiều nhưng chung quy lại chủ yếu là vì “không chốt được căn nào”. Cũng dễ hiểu bởi so với các nghề môi giới hay bán hàng khác, thì môi giới bất động sản là nghề “cao cấp”, bởi sản phẩm bán ra có giá trị lớn, lên tới tiền tỉ. Nhằm giúp những “newbie” tìm được chỗ đứng trong nghề này, dưới đây là một vài bí kíp “bỏ túi” tham khảo.

tam-su-nghe-moi-gioi

? Nên có chút tài chính trước khi vào nghề

Tại sao lại nói vậy? Bởi nghề môi giới không phù hợp với những người tay trắng, những người tài khoản rỗng. Làm nghề này, muốn chốt được một giao dịch thành công, bạn phải bỏ ra không chỉ kiến thức, công sức mà còn có tài chính nữa.

Lương cơ bản của nhân viên môi giới mới vào nghề là rất thấp, đôi khi chỉ đủ trả tiền sinh hoạt cho bạn. Với những bạn đi ở trọ, dường như còn không đủ tiền sinh sống. Vì vậy, bạn cần phải có một khoản tài chính để duy trì cuộc sống trong khoảng thời gian chưa chốt được giao dịch nào.

Ngoài ra, muốn chốt được deal, bạn phải đi gặp khách. Mà nhiều khi không phải chỉ gặp ở mỗi mảnh đất hay căn hộ đang được môi giới mà phải đi cafe, đi ăn với khách. Sẽ tốn một khoản kinh phí kha khá.

Bạn còn phải dành ra một khoản tiền chi cho việc pr và quảng cáo. Bởi nếu chỉ chăm chăm vào data được cung cấp, sẽ rất khó để có thể thành công. Bởi ở ngoài kia, có nhiều người đang quan tâm đến sản phẩm bạn phân phối mà không có trong data của bạn. Hãy tính toán và dành ra chi phí cho Marketing Online nhé, thời đại số 4.0 mà.

? Nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?

Khi đã bắt đầu đừng nghĩ đến việc từ bỏ. Nhiều bạn vẫn băn khoăn có nên đi theo nghề môi giới này hay không? Và đưa ra phương án an toàn rằng nếu làm một thời gian không ổn thì quay ra làm nghề khác. Ngay từ khi bắt đầu bạn đã không dành 100% tâm tư và quyết tâm theo đuổi thì công việc sẽ không thể thành công như bạn mong muốn được. Nhiều môi giới, mất 3 tháng thậm chí là nửa năm mới có được giao dịch đầu tiên, vì vậy hãy kiên nhẫn, nghề này không dành cho những bạn “cả thèm chóng chán” và không có tính kiên trì.

Muốn thành công thì người dẫn dắt bạn cũng phải là người giỏi và đã thành công. Khi bạn chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này, lại không biết nên bắt đầu từ đâu thì hãy tìm cho mình một người sếp, thủ lĩnh có TÂM và có TẦM.

Nhiều bạn có tư tưởng sai lầm khi đi tìm việc làm là chọn công ty lớn, có hàng ngàn người thì cơ hội của mình sẽ nhiều. Thực tế thì không phải là như vậy, công ty lớn hay nhỏ thì điều cốt lõi chính là “sếp” của bạn là người như thế nào? Anh/cô ấy có sẵn sàng chỉ bạn từng bước để bắt đầu hay không? Có luôn luôn lắng nghe, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn không? Hay chỉ dạy bạn một vài bí kíp qua loa sau đó áp KPI và bắt bạn đạt được? Đây chính là mấu chốt mở đầu cho nghề môi giới bất động sản của bạn.

Hãy tìm cho mình một người thầy giỏi có đủ cái tâm trước đã. Rồi phải xem cái tầm của anh/cô ấy như thế nào? Kinh nghiệm và thành tích đạt được ra sao? Kiến thức, kỹ năng và vốn nghề thế nào… Điều quan trọng là hãy tìm một người thầy biết giữ chữ TÍN.

Trên đây là 2 kinh nghiệm “bỏ túi” cho môi giới mới vào nghề. Tham khảo và có thêm lòng tin để vững bước trên con đường môi giới gian truân này nhé!

Nhà đầu tư thích qua mặt môi giới – là khôn hay dại?

Môi giới bất động sản (BĐS) hiện nay là một trong những người có vai trò quan trọng đối với thị trường. Bởi họ là người kết nối và giúp đỡ khách hàng trong suốt quá trình mua bán của mình. Bên cạnh một bộ phận nhỏ môi giới “không có tâm”, “cò đất” thì cũng có nhiều môi giới thực sự có tâm, làm việc tận tình, trách nhiệm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, dù làm tốt thế nào, người môi giới vẫn bị khách hàng qua mặt và mất trắng hoa hồng.

tam-su-moi-gioi-1

Qua mặt môi giới hiểu nôm na là sau khi đã được môi giới hỗ trợ tìm kiếm sản phẩm BĐS ưng ý, người bán và người mua sẽ âm thầm tự làm việc với nhau, gạt môi giới ra một bên. Lúc này, môi giới sẽ bị mất trắng hoa hồng đáng lý mình nhận được. Thời gian, công sức bỏ ra nhưng lại chẳng nhận lại được gì. Hành động này chẳng khác nào đang “cắt m.á.u” môi giới.

Một trường hợp khác, thường được các nhà đầu tư “cáo già” áp dụng đó là vẫn nhờ môi giới tìm kiếm, dẫn đi xem nhưng đến lúc xuống tiền lại để người khác làm thay. Ví dụ hai người A, B cùng chung nhau đầu tư. Người A nhờ môi giới dẫn đến xem nhà nhưng người B mới là người mua cuối cùng. Trường hợp này, dù chủ nhà tử tế không muốn qua mặt môi giới thì người môi giới vẫn phải chịu thiệt.

Lý do gì để khách hàng muốn qua mặt môi giới? Có lẽ đó là vì lòng tham. Bởi khi môi giới giúp khách hàng tìm được sản phẩm BĐS ưng ý, họ sẽ nhận được một phần nho nhỏ tiền vì công sức và thời gian mình đã bỏ ra. Nhiều khách hàng vì lòng tham, do keo kiệt, không muốn mất khoản hoa hồng nhỏ này mà hành động qua mặt môi giới.

Hoặc có những khách, họ thích cảm giác qua mặt môi giới. Điều này khiến họ thấy thích thú, thỏa mãn nên họ làm, vậy thôi!

Quan điểm của tôi về vấn đề này là không chấp nhận. Bởi nếu môi giới dành hết sức lực, tâm huyết, thời gian và tình cảm giúp người mua, người bán đến được với nhau, mua được BĐS ưng ý. Nhưng đến cuối cùng bên bán và bên mua vẫn cố tình đẩy môi giới ra, chèn ép môi giới. Đáng lý, phải trả 20 triệu đồng hoa hồng nhưng chỉ đưa cho môi giới 3 triệu, thì đó là sự bất công cho người môi giới.

Lý giải về việc qua mặt này, nhiều người cho rằng số tiền hoa hồng người môi giới nhận được sau mỗi deal là quá lớn. Tuy nhiên xét toàn diện thì số tiền này hoàn toàn hợp lý. Bởi công sức môi giới bỏ ra cũng không hề ít, từ việc tự mình quay phim, chụp ảnh, đưa khách đi xem từng sản phẩm, canh giờ đẹp đăng thông tin lên các hội nhóm, lo thủ tục giao dịch, pháp lý, giải thích chỗ này chỗ kia cho khách hàng mới mua nhà lần đầu, bỏ tiền chạy quảng cáo…

Chưa kể người môi giới phải làm toàn bộ công đoạn trên cho từ 5-10 căn nhà, thậm chí là nhiều hơn thì mới bán được một căn. Nhiều người môi giới, hàng ngày gọi điện cho khách dã họng, đưa khách đi tham quan hết căn này đến căn nọ, hết ở quận này đến quận kia, khách vẫn không xuống tiền. Có người làm nghề này trong vòng 3-6 tháng, chỉ bán được một căn duy nhất. Thì thử hỏi, khách qua mặt như thế, môi giới lấy gì để sống?

Hệ quả để lại khi qua mặt môi giới là gì? Đó có thể là việc bị “bóc phốt” trên mạng xã hội. Ngày nay, thời đại công nghệ thông tin phát triển. Một bài đăng “bốc phốt” trên mạng xã hội, trong vòng 1 đến vài tiếng, có thể nhận được lương tương tác rất khủng. 1 người chia sẻ, 2 người chia sẻ, rồi đến cả trăm, cả nghìn người chia sẻ. Từ chuyện 1-2 người biết, giờ cả cộng đồng mạng đều có thể biết. Điều này sẽ ảnh hưởng tới danh dự, công việc và các mối quan hệ của họ. Nhất là đối với những khách hàng có tiền, có quyền, có địa vị… thì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới họ.

Quan trọng hơn, trong tương lai xa, vị khách đó sẽ mất đi cơ hội kiếm tiền cũng như cơ hội tiếp cận các BĐS có giá trị sinh lời khác. Bởi nhiều môi giới sâu sát với thị trường, đánh giá tốt, chỉ là không đủ điều kiện kinh tế để tự đứng ra đầu tư. Nếu qua mặt môi giới, thì sau này dù có biết miếng đất rẻ hơn 5-7 giá so với thị trường, môi giới cũng không bao giờ giới thiệu tới những người mua “lật lọng”.

Với một số trường hợp lập luận rằng chỉ mua nhà 1 lần, qua mặt môi giới cũng không vấn đề gì. Nhưng tương lai đâu biết trước được điều gì. Biết đâu sau này vị khách này lại muốn bán ngôi nhà đó, hoặc có một khoản tiền đầu tư cần rót vào BĐS thì làm việc với bất cứ môi giới nào khác cũng khó khăn hơn. Bởi các thông tin “bóc phốt” đã được chia sẻ trong cộng đồng môi giới, đa phần những người môi giới còn lại sẽ từ chối làm việc hoặc có làm việc cùng cũng trong trạng thái đề phòng, không thể tận tâm và hết lòng.

Một nhà đầu tư BĐS thông minh là người biết sử dụng đồng thời 3 loại đòn bẩy. Đó là đòn bẩy tài chính là tiền, đòn bẩy thời gian là dùng chính thời gian của môi giới và đòn bẩy con người là bản thân môi giới đó. Qua mặt môi giới thì dễ, sử dụng môi giới thông minh mới khó!

Một vài điều “thú vị” về nghề môi giới!

Nghề môi giới tưởng chừng là nghề chỉ có vất vả thôi, nhưng làm rồi mới biết, nghề này cũng có nhiều điều “thú vị” lắm.

Đầu tiên là chuyện điện thoại của môi giới hoạt động hơn cả tổng đài. Những cửa hàng kinh doanh hay doanh nghiệp thường có tổng đài để trả lời những thắc mắc, giải quyết các vấn đề cho khách hàng. Hay tổng đài tư vấn tuổi mới lớn, chuyên giải đáp các vấn đề của tuổi dậy thì, tâm sinh lý của cái tuổi ẩm ương. Cho đến tư vấn tình yêu bọ xít, những câu chuyện mang mác 18+ chút xíu… Thì môi giới cũng như một tổng đài viên, thậm chí hoạt động còn năng suất hơn.

tam-su-moi-gioi-2

Tại sao lại nói vậy? Bởi tổng đài còn có thời gian nghỉ ngơi giữa giờ, ngày lễ tết, nhưng môi giới thì không. Chuông reo “tính tỉnh tình tinh” khách gọi là phải nghe. Dù ngày hay đêm, nghỉ lễ hay đi làm, đang đi shopping hay du lịch, khách hàng đều có thể gọi điện đến. Nhiều khi đang chill chill, vu vơ vừa hát vừa tắm, chuông điện thoại reo cũng phải tắt nhạc, tắt nước mà nghe máy cho lịch sự. Đôi khi thấy những cuộc gọi của khách hàng còn hơn cả cuộc gọi người yêu. Bận công việc có thể cúp máy người yêu nhưng khách thì không thể nào.

Tiếp đến, với môi giới muốn có tiền sống qua ngày, bay nhảy thì phải bán được hàng. Nếu như công nhân viên chức, hay người lao động bình thường, với công việc ngày đi làm 8 tiếng/ngày sẽ có mức lương cố định đủ ăn tiêu và trang trải cuộc sống. Thậm chí là dư ra một khoản để tiết kiệm. Thì đối với môi giới, mức lương cố định lại chỉ đủ để trả tiền xăng xe, đi cafe hay đi ăn với khách, nếu may mắn thì đủ trả tiền thuê trọ và các chi phí dịch vụ khác. Lương cố định nhận được bao nhiêu chi trả hết bấy nhiêu, mà còn chả sắm được cái gì riêng cho bản thân, chứ đừng nói là có tiền đi ăn chơi nhảy múa!

Muốn sống “dễ thở” một tí, ăn tiêu “thoải mái” một tí thì phải có hoa hồng. Làm thế nào để có hoa hồng? Một cách duy nhất là phải bán được hàng. Nhiều khi anh em môi giới đùa vui với nhau, đàn ông khác thích uống rượu, uống vang, còn môi giới chỉ thích và chung thuỷ với cà phê mà thôi. Bởi gặp khách chủ yếu là hẹn đi cà phê, uống riết rồi thay nước lọc luôn!

Làm môi giới, một ngày có thể tiếp xúc với nhiều trạng thái cảm xúc. Cái nghề này, muốn mau có tiền thì phải chăm gặp khách. Bởi càng gặp nhiều khách thì cơ hội bán được hàng càng cao. Mà đâu phải khách hàng nào tính cũng như nhau, mỗi người mỗi tính chứ. Và mỗi lúc gặp một khách, người ta lại có tâm trạng, cảm xúc khác nhau. Người thì nóng giận, cáu gắt, người thì vui vẻ mà có khách lại rất lạnh lùng… Ngược lại với sự đa dạng cảm xúc đó, thì môi giới chỉ có một cảm xúc duy nhất được phép có là bình tĩnh và điềm đạm.

Bởi không thể khách hàng đang cáu giận mà môi giới cũng cáu giận theo được. Khách chả chửi cho te tua rồi bỏ về. Tự dưng lại mất đi một cơ hội tiếp cận với khách hàng có thể là tiềm năng. Dù khách hàng có đang ở trạng thái cảm xúc nào, thì mình vẫn phải nở nụ cười tươi như hoa hậu, hỏi han, trò chuyện và tư vấn cho họ.

Cái nghề môi giới này này, nếu không phải yêu nghề thì khó mà trụ được lắm. Nói là “thú vị” thôi, nhưng phải để trong ngoặc kép!

Cái kết “đắng lòng” khi khách hàng bắt tay với môi giới chuyên đi “cắt m.á.u”.

Tiếp tục nói về câu chuyện “cắt m.á.u”. Thoạt nhiên nhìn qua thì sẽ thấy, trường hợp này, môi giới bị “cắt m.á.u” là thiệt thòi nhất. Vừa tốn thời gian, công sức, vừa mang cục tức bên người. Ông môi giới “bẩn tính” và khách hàng sẽ là người được lợi? Liệu có thực sự như vậy?

tam-su-moi-gioi-3

“Cắt máu” chính là một chiêu cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, xảy ra giữa những người môi giới với nhau. Khách hàng tham rẻ, tham vài đồng hoa hồng từ những môi giới “cắt m.á.u”, có thể ở thời điểm hiện tại là được lợi đó. Nhưng xét về lâu dài thì người chịu thiệt hại thực chất lại chính là khách hàng – người mua nhà.

Nguyên nhân nào khiến môi giới chơi trò “bẩn tính”, mồi chài khách hàng như vậy như vậy? Đó có thể đến một phần như khâu quản lý thiếu chuyên nghiệp ở những đơn vị môi giới đó làm việc.
Bên cạnh đó, áp lực doanh số cộng với đạo đức nghề nghiệp yếu sẽ khiến cho những môi giới này bất chấp mọi thủ đoạn. Việc này có thể không phải do lãnh đạo sàn yêu cầu mà do chính người môi giới không có tâm, không có tầm, không có năng lực nên phải dùng chiêu “hạ sách” để bán hàng, khiến cho thị trường bị lũng đoạn.

Nhân viên môi giới khi thực hiện chiêu trò này, về trước mắt cũng bị thiệt hại. Tuy nhiên để cầm cự, họ vẫn chấp nhận. Đây là việc cần được lên án.

Nhiều môi giới khi bại lộ chuyện “cắt m.á.u”, có chia sẻ thầm kín rằng, nguyên nhân họ làm vậy là do khách hàng. Họ bị khách hàng gây áp lực, yêu cầu phải “cắt m.á.u” để trả hoa hồng cho mình thì mới chốt deal. Nghe có vẻ vô tội đấy. Nhưng thực ra nếu bạn là người môi giới có tâm, có tầm, đàng hoàng thì sẽ “say no” ngay với điều này. Thay vào đó nên khuyến cáo khách hàng đây là việc không nên bởi như vậy thì phần thiệt hại sẽ thuộc về khách hàng chứ không phải môi giới.

Tại sao lại nói khách hàng chịu thiệt trong trường hợp này? Để lấy ví dụ cho dễ hiểu nhé. Một căn hộ giá 4 tỷ đồng, mức hoa hồng mà sàn sau khi thỏa thuận với chủ đầu tư sẽ rơi vào khoảng 4 – 5%. Tuy nhiên hoa hồng này sàn sẽ không nhận hoàn toàn với con số đó mà phải trừ đi các khoản thuế, tiền quảng cáo, sự kiện, marketing, truyền thông, nuôi bộ máy… nữa. Cuối cùng tỷ lệ mà công ty nhận được cao lắm chỉ 2 – 3%.

Tuy nhiên, 2 – 3% này phải chia cho các nhân viên tùy theo vị trí và tỷ lệ từng công ty. Do đó, số phần trăm mà nhân viên môi giới bán trực tiếp được nhận tính ra cũng không đáng kể so với giá trị căn hộ. Ngoài ra, để nhận được hoa hồng, môi giới đã tốn một khoản “kha khá” cho tiền taxi, xe ôm đi lại hay tiền đi ăn, đi cà phê gặp khách… Phải mất khoản chi phí đó thì mới ra khách được. Chứ một phát “ăn ngay” thì hiếm, cực hiếm. Hơn nữa, cũng không phải bán xong một căn hộ là được nhận tiền ngay.

Cho nên nếu như khách vì một lý do nào đó mà gây áp lực cho môi giới để đạt được lợi cho mình, trước mắt có thể khách hàng thấy là giảm được tiền đó. Nhưng về lâu dài thực ra lại là tổn hại cho khách. Bởi khi mua bất kỳ sản phẩm nào không riêng gì BĐS cũng đều cần chế độ bảo hành, hậu mãi. Nếu gây áp lực cho môi giới thì sau này, khi sản phẩm có vấn đề, khách hàng sẽ chịu thiệt đủ đường.

Nhẫn tâm “cắt m.á.u” thì việc tư vấn hoàn thiện thủ tục sau khi mua nhà sẽ không được tốt và chắc chắn, khách hàng cũng không được hưởng sự quan tâm từ môi giới. Đáng lo ngại nhất là để bù vào phần m.á.u đã cắt, nhiều môi giới sẵn sàng tư vấn những BĐS không tốt, thiếu tính pháp lý cho khách.

Trên thực tế đã chứng minh điều trên là có thật và xảy ra rất nhiều. Chuyện vị khách hàng nọ, vì “tham bát bỏ mâm”, mua nhà của các môi giới “cắt m.áuu” sau một thời gian thì bị môi giới “bỏ rơi”. Vị khách này phải tự mình làm mọi thứ từ thủ tục đến việc mua bán, cho thuê… Thậm chí, khi phát sinh sự cố sau khi về ở hay bán lại cũng không nhận được sự tư vấn, hỗ trợ xử lý nào của các môi giới đó. Đây là vụ việc thật luôn đó nha. Vì cái lợi trước mắt mà tự đưa mình vào những rủi ro sau này.

Khách hàng cũng nên hiểu rằng, khi mua một bất động sản thì tiền phí môi giới này không phải tiền của khách hàng mà là tiền của chủ đầu tư khấu hao từ sản phẩm. Họ mất bao nhiêu tiền để chi trả cho truyền thông, marketing, mời khách đến sàn, chăm sóc tư vấn, bỏ thời gian công sức và hy sinh nhiều thứ khác nữa mới có thể có dịch vụ tốt cho người mua nhà. Cho nên, nếu được tư vấn bởi một sale nhiệt tình, tận tâm, thì thực chất chính khách hàng đã được hưởng lợi từ đó.

Lời khuyên cho khách hàng, là thay vì vài đồng hoa hồng hãy chọn một người môi giới tử tế.

Chiêu “cắt m.á.u” để “c.ư.ớ.p” khách của những ông bà môi giới “bẩn tính”.

Các ông ạ, làm môi giới hết chiều khách, lấy lòng chủ nhà, như kiểu sinh ra phải làm vừa lòng hai bên, nếu muốn có hoa hồng “ngon”. Vất vả tìm mối, dẫn khách, chốt deal. Những tưởng ngon ăn cả rồi thì lại bị hẫng tay trên một cách cay cú bởi thằng môi giới khác nó “cắt m.á.u”.

tam-su-moi-gioi-4

Không biết anh em đã trải nghiệm cảm giác này hay chưa. Chứ riêng tôi thì gặp hoài, dăm bữa nửa tháng lại bị cắt một phát.

Cắt máu” hoa hồng ở đây được hiểu là việc nhân viên sale bất động sản sử dụng đến chiêu giảm giá, tự trích phần hoa hồng của mình để trả cho khách khi “chốt” được đơn hàng. Khách hàng nhận được “m.á.u” lại được thêm ít tiền, tội gì mà không bắt tay với cái thằng đang “cắt m.á.u” chính anh em trong ngành.

Hôm gặp một người bạn của tôi cũng làm trong ngành này kể rằng,“Khi thấy tao chốt được một số căn, nhiều thằng sale đứng chầu chực đợi khách tao ra về như chó đợi chủ về ấy. Xong rồi xin số, bảo cũng phân phối dự án đó, tìm nó là ông ý tìm đúng môi giới rồi. Sau đó gọi điện rồi hứa hẹn trích 100% hoa hồng từ việc bán thành công căn hộ đó cho khách”. Tự dưng được thêm vài củ đến vài chục củ, tội gì không ok ngay.

Trường hợp này, nếu mình không “cắt m.á.u” theo hoặc ít hơn so với thằng kia thì hầu như khách sẽ làm việc với bên nào mang đến cho họ nhiều lợi nhuận nhất – điều này hoàn toàn dễ hiểu.

Môi giới “bẩn tính” đứng đợi khách về rồi xin số là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa thôi. Chứ tôi còn chứng kiến nhiều pha lầy lội hơn nhiều. Có trường hợp khách đến xem nhà, sau đó môi giới theo khách về tận nhà hoặc gọi điện liên tục, mục đích là để thuyết phục khách hàng mua căn nhà của mình. Mới nghe đến đây thì thấy, cũng chả có gì để nói đúng không. Nhưng trên thực tế, nhiều ông bà môi giới dùng lời “đường mật” rót vào tai khách để thuyết phục họ, nhưng đến cuối cùng chỉ còn là lời hứa suông cốt làm sao bán được hàng, sau đó “phủi” trách nhiệm.

Họ làm như thế nào? Họ sẽ nói dối với khách hàng rằng, họ là giám đốc, trưởng phòng hay trưởng bộ phận nên phần trăm hoa hồng sẽ nhiều hơn so với những môi giới bình thường khác. Nếu khách mua sản phẩm của họ thì sẽ được trích toàn bộ hoa hồng còn họ bán được hàng chỉ để đạt doanh số. Thấy được lợi nhuận trước mắt, nhiều khách hàng sẽ chuyển sang mua nhà của môi giới đó.

Tuy nhiên, khi bán xong nhà, môi giới không trả được hoa hồng như đã cam kết với khách hàng trước đó thì khách cũng không làm gì được. Vì tất cả chỉ là lời nói qua điện thoại, làm gì có bằng chứng. Đó là chưa kể, làm việc với những môi giới vô trách nhiệm như vậy, khách hàng còn có thể bị tư vấn mua phải những sản phẩm không tốt, không “sạch”, thiếu tính pháp lý và nhiều vấn đề khác.

Đương nhiên, không phải môi giới nào cũng làm ăn thiếu lành mạnh như vậy. Những ông chơi trò “cắt m.á.u” chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi vẫn còn nhiều môi giới tuân thủ nguyên tắc và đạo đức hành nghề. Nhưng do dòng đời xô đẩy, trước áp lực bị “c.ư.ớ.p” khách, khi không đạt được doanh số, một số nhân viên môi giới cũng buộc phải “theo lao”. Nhưng họ vẫn còn chút tình người, khi cố gắng tiết giảm mức độ “cắt m.á.u” để không bất đắc dĩ giành khách của đồng nghiệp.

Làm cái nghề môi giới này, trải qua đủ cmn cung bậc cảm xúc luôn. Hết bị cà khịa là “cò đất”, bị “gạ tình” đến bị đồng nghiệp chơi khăm “cắt m.á.u”. Muốn trụ được và thành công ở nghề này, chắc hẳn phải có cái đầu lạnh và kiên trì vô cùng.

1001 niềm đau “chôn giấu” của nghề môi giới.

Đã tâm sự với anh em nhiều về những câu chuyện làm môi giới mà bị gắn mác “cò đất”. Vất vả giới thiệu, thuyết phục khách, chắc đến 99% deal thành công, hoa hồng chuẩn bị ting ting về tài khoản thì lại bị “cắt cầu”, “cắt m.á.u”.

Nhưng nghề này không chỉ oái ăm thế đâu, còn 1001 niềm đau khác cơ. Nhiều quá phải tâm sự dần dần, tìm anh em chung cảnh ngộ. Hết dịch có gì nhậu với nhau một bữa, cho quên sầu.

Làm nghề này, muốn trở thành môi giới phải chuyên nghiệp không phải chỉ cần khéo mồm “uốn 3 tấc lưỡi” là thành chuyên nghiệp được. Mà đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp. Nhiều anh em lâu năm trong nghề truyền lại bí quyết để tích luỹ kinh nghiệm cũng như kiến thức là nên “rèn luyện ở đại học trường đời”, nghe như bọn trẻ trâu hay để ở profile trên Facebook ý nhỉ.

Vẫn nhớ một trong những bài học đầu đời cho tôi khi “chân ướt chân ráo” vào nghề là bán phải một mảnh đất dính quy hoạch. Tổng thể thì mảnh đất đẹp, vị trí giao thông thuận tiện. Chủ nhà kẹt tiền, nghe đâu lô đề, cờ bạc, cá độ bóng đá nên phải bán gấp để trả nợ. Vì cần tiền gấp nên giá bán khá tốt.

Lấy data về, đăng ký 100k, gọi vèo cái hết. Thêm 2 cái thẻ 100k nữa thì cũng có ra được khách hàng tiềm năng. Sau khi dẫn khách đi xem đất, khách “ưng cái bụng”, chốt cọc luôn nửa tiền. Ngờ đâu, vừa tiền trao tay thì khách nhận ra vừa mua phải mảnh dính quy hoạch dự án, không xin giấy phép xây dựng được. Hai bên kiện cáo nhau, mình – vai trò môi giới đứng giữa vừa mất công lại không được tiền, khốn khổ thật.

Lại câu chuyện gạ tình môi giới. Em gái team mình mới ra trường đi làm. 22 tuổi vừa trẻ lại xinh xắn, nói chuyện ngọt ngào đưa tai. Đúng tròn 1 tuần kể từ ngày đầu đi làm đã tìm được khách hàng tiềm năng và hẹn được khách đi cafe bàn về căn hộ. Ai ngờ đến đây thì bị gạ tình. Đấy xinh gái là lợi thế nhưng cũng nhiều phiền phức lắm. Khách hẹn cafe, đi ăn nhà hàng, đi nhậu là chuyện bình thường. Trường hợp này mà từ chối là mất khách như chơi.

Ông khách của em này giám đốc một công ty trong ngành thực phẩm. Em nó kể, hôm hẹn gặp khách, thấy khách đi quả xe Maybach S650, em nó cười trong sung sướng, giàu thế này khéo tí nữa là chốt deal được ngay.

Sau khi uống cạn cốc trà, giới thiệu tỉ tê đủ thứ về căn hộ thì ông khách cũng đưa ra câu chốt cho buổi gặp gỡ. Ông nói “Anh rất thích em, bây giờ em xem như nào để anh vui thì anh sẽ xuống tiền chốt căn này, tiền anh không thiếu…”. Em nó hoảng hồn luôn, buông câu từ chối thẳng thừng luôn cái việc “làm anh vui”. Trước khi đi về, ông khách còn buông lời phũ phàng “chỉ là đứa cò nhà đất mà cứ tinh vi” rồi biến mất dạng.

Những môi giới là nữ đủ kinh nghiệm, cứng tay trong nghề qua tiếp xúc điện thoại là phân loại được khách ngay. Ông nào là khách quan tâm, có nhu cầu mua thực sự nghiêm túc. Còn đâu là khách hàng chỉ à ơi, buông lời tán tỉnh, gạ gẫm.

Con gái làm môi giới rất cần bản lĩnh. Mà phụ nữ đã có gia đình làm nghề này lại càng phải bản lĩnh hơn để vừa đảm bảo công việc vừa giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có những chị em đã phải khốn khổ khi có ông chồng ghen tuông bởi vợ mình tan làm vẫn thấy gọi điện cho đàn ông, nhẹ nhàng tư vấn nhà đất. Rồi có những cuộc hẹn gặp riêng thường xuyên nữa.

Đấy 1001 nỗi khổ như này, mà người đời thì cứ đánh giá phiến diện, chủ quan về nghề môi giới. Thật là sầu!

BỊ CÀ KHỊA TRONG BUỔI HỌP LỚP VÌ LÀM NGHỀ MÔI GIỚI…

Làm cái nghề môi giới này có trăm vàn nỗi khổ. Có tâm với nghề nhưng ra đường vẫn bị gắn mắc cò đất, bị cắt m.á.u, bong khách thậm chí là gạ tình…

Mới đây, tròn kỷ niệm 10 năm ra trường của tôi. Cả lớp có tổ chức họp lớp, giao lưu bạn bè lâu ngày không gặp. Nhoằng cái đã 10 năm, bạn bè giờ ai cũng thành công hết cả. Có người giới thiệu là Tổng giám đốc, người bác sĩ, người giáo viên, luật sư, nhà báo… thành đạt hết cả.

Đến lượt mình, tôi nói mình giờ làm môi giới bất động sản thì nhận ngay được một câu hỏi “đểu” từ thằng bàn trên năm xưa: “Tức là ông làm cò nhà đất chứ gì, ui zời cò đất thì nói mịe là cò đất đi còn bày đặt hoa mỹ môi giới bất động sản. Tôi lạ gì, bọn ông là toàn buôn nước bọt, thổi giá lung tung rồi ăn tiền…”.

Nghe mà quạu, cáu vc nhưng thôi cũng quen rồi, đành cười trừ. Thằng này chắc vẫn cay vụ xưa bị tôi cư.ớ.p mất em gái khoá dưới. Nó bồ kết con bé 2 năm trời, theo đuổi mà con bé không đổ. Thằng này thì nhà điều kiện nhưng trông ăn chơi, con bé kia thì lại mê mấy thằng có tâm hồn nghệ sĩ, mơ mộng tí. Xưa đi học tôi cũng hay văn nghệ, toàn cần ghi ta hát giờ giải lao. Thằng kia tỏ tình 5 lần 7 lượt bị từ chối, cuối cùng con bé nó lại tỏ tình tôi. Xong tôi cũng gật rụp cái đầu, có gái theo đuổi, cũng xinh xắn, dễ thương, tội gì không ừ. Giờ nó làm nhà báo, nên sĩ với oai lắm. Khịa mình mới cay chứ nhưng thôi không thèm chấp. Ngậm ngùi ngồi cố nuốt nốt bữa cơm họp lớp rồi ôm cục tức phi thẳng về nhà. Cái nghề “cò” này, nhiều người cứ nghĩ buôn nước bọt là ra tiền. Mà đâu biết có loại người nọ người kia khi làm cái nghề này.

Thời buổi này, bán cái gì cũng khó. Đặc biệt là bất động sản – cái có giá trị tiền to như này càng khó. Với nhiều người bất động sản chả khác gì loại hàng hóa của cả một đời người, vì chỉ mua 1 lần mà sống trọn đời. Kể cả những người mua bất động sản để đầu tư thì cũng phải đắn đo, suy nghĩ. Mà người ngoài chỉ đánh giá phiên phiến mà đâu biết đất đai còn đi kèm thêm bao nhiêu vấn đề khác. Như giấy tờ, yếu tố pháp lý, rồi đi kèm một tỉ thứ khác.

Môi giới bất động sản – đứng giữa và kết nối người có nhu cầu bán và khách hàng có nhu cầu mua, chẳng hề dễ. Và còn phải hỗ trợ khách lo ti tỉ thứ kia, khách nhiều khi chỉ quăng cục tiền là xong. Còn các vấn đề khác, thằng môi giới phải kham, phải lo hết.

Mà gọi bằng cò đã khó chịu rồi, bị “cắt cầu” nó còn cáu hơn. Đã có lần tôi làm môi giới giúp khách bán một căn hộ, đã thoả thuận hết cả giá cả, phí hoa hồng sẽ nhận được. Tốn biết bao nhiêu nước bọt, tiền điện thoại, thời gian đi cà phê, dẫn khách đi coi căn hộ… cuối cùng cũng chốt được khách. Như mở cờ trong bụng, sung sướng lắm.

Hai bên đã làm hợp đồng đặt cọc, thì sáng sớm hôm sau, chim hót líu lo, điện thoại rung và tôi nhận được cuộc gọi với nội dung ngắn gọn từ chủ nhà là “anh đổi ý không bán nhà nữa em ơi”. Ủa what the fuck, đùa mình hả. Tốn bao nhiêu công sức, thôi coi như một lần tích luỹ skill đi vậy. Ai ngờ, sau đó phát hiện ra chủ nhà vẫn bán nhà cho khách, nhưng vì tiếc vài đồng hoa hồng nên ôm trọn, nhẫn tâm hất mình qua một bên. Bị “cắt cầu” một cách trắng trợn luôn.

Tiền hoa hồng so với giá trị căn nhà này có đáng là gì? Ấy thế mà vẫn bị ăn chặn.

Môi giới khổ lắm. Ở đời luôn có người nọ người kia, và môi giới đứng giữa, nên nhiều khi mắc kẹt hết từ chủ nhà thế nọ lại đến khách thế kia. Khổ tâm là thế, mà nhiều người đâu có hiểu…

Sau cơn sốt đất, cò đất mất hút, nhà đầu cơ vỡ mộng!

Thời gian vừa qua, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương và tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Vài khách hàng tôi quen, thay vì đầu tư vào chứng khoán hay vàng thì đem một núi tiền đi găm đất. Sơn Tùng muộn rồi mà sao còn “chưa ngủ vì thích rồi, yêu rồi”. Còn nhà đầu tư thì muộn rồi mà sao còn “chưa xuống tiền mua đất chỗ A, chỗ B đi mà kiếm lời”. Ông anh tôi quen bỏ xừ bán hàng online Shopee, mỗi tháng kiếm được hơn 2 chục củ, rút hết tiền gửi ngân hàng, đi mua đất.

Thấy anh mình sục sôi như tuổi mới lớn, dù đã ngót nghét 4 chục tuổi làm tôi cũng tò mò, đất vừa qua có tin gì hot để “sốt” như vậy. Tìm hiểu rồi mới thấy đúng là tăng chóng mặt thật. Trung bình giá đất tăng 10% sau một tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Qua tìm hiểu thì nguyên nhân chính của hiện tượng này có lẽ là do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15-20%. Bênh cạnh đó, nhu cầu của người dân rất cao trên thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản vẫn không có tín hiệu khả quan. Cung nhỏ hơn cầu nên giá đất tăng là điều dễ hiểu.

Một nguyên nhân khác là do hiện nay, nhu cầu của giới đầu tư đem tiền “nhàn rỗi” bỏ vào đất tăng mạnh. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp nhưng bất động sản vẫn có các tín hiệu khả quan và là “hầm trú ẩn” an toàn.

Tuy nhiên đến hiện nay, cơn “sốt đất” đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Đúng là “trở mặt” không khác gì người yêu cũ. Một số khu vực từng nóng sốt, giờ nhà đầu tư muốn bán cũng không bán được hoặc bán nhưng bị lỗ quá nhiều.

Tâm sự, ông anh tôi kể, có mối từ một thằng tự nhận là “môi giới các dự án quy hoạch hàng đâu”, cứ dự án nào được phê duyệt quy hoạch phát là nó có tín hiệu ngay. Nghe nó, rút tiền ngân hàng rồi giờ “móm”. Đúng là sau cơn “sốt đất”, “cò đất” mất hút, nhà đầu cơ vỡ mộng, nhà đầu tư cả tin món còn ông thông minh thì nhanh chóng chốt lời, phất lên như diều gặp gió, sau 1 đêm tỉnh giấc, số dư tài khoản bỗng ting ting, tính ra lãi thêm tiền tỉ nhờ bất động sản.

Cũng may, ông anh có tiền tiết kiệm, rút ra cũng được đôi ba tỉ để mua đất chứ không phải cầm cố cái gì. Chứ nhiều người cắm sổ đỏ ngân hàng vay tiền đầu tư bất động sản khi thấy giá đất tăng, định gom để bán chốt lời. Nhưng rốt cuộc, đất “hạ giá”, giờ bán thậm chí còn lỗ. Mà không bán, lãi chồng lãi, biết lấy tiền đâu để trả ngân hàng.

Lý giải cho nguyên nhân đất hạ nhiệt, có thể tóm gọn lại như sau:

– Nhờ được đưa tin, phản ánh trên báo đài, phương tiện thông tin đại chúng nên nhiều nhà đầu tư trở nên cảnh giác. Họ bắt đầu đề phòng và sáng suốt hơn, không lao vào các cơn sốt đất nhờ ví dụ chứng minh của những chú chuột thí nghiệm đầu cơ trước đó.

– Cò đất đồn thổi thông tin quy hoạch, nhà đầu tư chưa xác minh đúng hay sai bèn ném tiền đầu tư. Đến khi chính quyền vào cuộc xác minh, tăng cường quản lý và thông tin minh bạch khiến nhà đầu tư “vỡ mộng”. Để hạn chế sốt đất, cơ quan quản lý đã siết tín dụng bất động sản, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sự dụng đất ruộng, đất rừng…

Nói mới thấy, kiếm tiền đúng là quan trọng đấy, nhưng phải thông minh và sáng suốt. Tin lời cò đất, đợi nó sốt rồi mà nhảy vào thì chỉ có trắng tay???

Khách hàng nào còn đang kẹt trong các đợt sốt vừa rồi, liên hệ mình để tìm cách ra hàng nhé! Đang lót dép ngồi chờ đây ạ.

Hai mặt của nghề môi giới…

Khi hỏi những người xung quanh nghĩ gì về người môi giới? Hầu hết sẽ là câu trả lời “cò đất chuyên lừa đảo”, “sống bằng tiền hoa hồng cao ngất ngưởng”, “chẳng cần đào tạo gì, ăn mặc đẹp, uốn ba tấc lưỡi là kiếm được tiền rồi”… Nghe mà não hết cả lòng. Các bác cứ đứng bên ngoài rồi đánh giá phiến diện thế thì hỏng. Nghề này mất nhiều hơn được đó, khó khăn nhiều vô kể đó.
Môi giới là người giúp việc mua bán bất động sản diễn ra thuận lợi. Chúng tôi là trung gian kết nối giữa bên mua và bên bán. Tận tình giới thiệu, dẫn người mua đi em căn nhà phù hợp với nhu cầu và tài chính nhất. Thủ tục giấy tờ cũng hỗ trợ luôn. Vậy làm môi giới được gì?

Thu nhập cao sẽ là chính xác nếu bạn chốt được deal thành công. Vì ngoài mức lương cơ bản bèo bọt vài triệu, thu nhập sẽ được cộng thêm kha khá nhờ tiền hoa hồng chốt sale. Do tài sản là bất động sản có giá trị lớn, vì vậy, hoa hồng của môi giới cũng khá là ngon. Tuy nhiên, nếu bạn không chốt được deal nào, thì coi như cả tháng móm. Vì tiền lương cơ bản may ra chỉ đủ trả tiền nhà, chi tiêu lặt vặt, tiền cà phê gặp khách…

Thời gian làm việc linh hoạt, không gò bó. Môi giới là nghề mà đôi khi ngồi quán cà phê nhiều hơn ngồi tại văn phòng. Vì bạn phải đi ra ngoài gặp khách, dẫn khách đi xem hay khảo sát về thị trường nhà đất.

Nhờ môi giới mà bạn có thêm nhiều kỹ năng mềm. Vì tính chất công việc thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng, nên kỹ năng mềm là rất cần thiết. Khả năng tự tin khi thuyết trình về dự án, thuyết phục người mua/người bán cũng như teamwork tốt.

Tuy mặt dày không phải là kỹ năng mềm, nhưng làm môi giới sẽ tôi luyện cho bạn điều này. Mặt dày gọi điện tư vấn, mặt dày đi mượn quần áo, xe, điện thoại, laptop đẹp để làm bản thân “bóng bảy” trước mặt khách…

Có thêm nhiều mối quan hệ. Nghề môi giới sẽ yêu cầu bạn tiếp xúc với nhiều người làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều địa vị xã hội khác nhau. Bạn sẽ mở rộng mối quan hệ nhờ đây. Nếu biết cách xây dựng mối quan hệ, bạn sẽ có nguồn khách hàng tiềm năng.

Cái được của nghề môi giới là thế, nhưng cái mất cảm giác lại nhiều hơn. Khi bạn nghe tin anh A vừa nhận hoa hồng x chục triệu, chị B nhận hoa hồng y trăm triệu, m.á.u làm giàu nổi lên, ai chẳng muốn chuyển nghề. Nhưng để có được mức thu nhập đó thì không đơn giản. Bạn phải có bản lĩnh, kiên trì và chấp nhận chịu vài khó khăn.

Tìm kiếm khách hàng. Đây dường như là khó khăn lớn nhất của người môi giới. Đối với phân khúc bất động sản có giá trị thấp, tìm kiếm khách hàng không hề khó. Nhưng với bất động sản cao cấp thì điều này như “mò kim đáy bể”. Vì số tiền lên tới cả chục, cả trăm tỉ, khách hàng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để “chọn mặt gửi vàng”.

Cái được của nghề môi giới là có nhiều mối quan hệ. Nhưng trước khi có thì bạn phải xây dựng được đã. Những người lâu năm trong ngành thì không nói. Nhưng các bạn trẻ mới ra trường thì đây là một thử thách lớn.

Stress vì áp lực công việc. Nếu như các nghề khác, có ngày nghỉ, ngày cuối tuần, ngày lễ thì môi giới dường như sẽ không có ngày này. Do đặc thù công việc nên nghề này thường xuyên phải đi làm vào ngày nghỉ, ngày lễ, làm ngoài giờ hành chính. Vì có những khách hàng rất bận rộn, nên chỉ có thể gặp gỡ và dẫn khách đi tham quan dự án vào những ngày này. Ra ngoài đường lúc sáng sớm và về nhà khi đèn đường đã tắt là chuyện quá bình thường.

Sẽ có những khoảng thời gian bạn stress cực độ vì không chốt được deal nào. Gọi ai cũng cúp máy, còn bị mắng te tua vì phiền. Bao nhiêu thứ tiền để chi tiêu nhưng lương lại 3 cọc 3 đồng. Nhiều người còn phài làm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập.

Rình rập nguy hiểm và những tình huống không mong muốn.

Người môi giới phải có tinh thần thép. Bởi sẽ có những lúc, bạn gọi điện tư vấn khách ok qua điện thoại, dẫn khách mấy chục km đi xem và cuối cùng khách lại không xuống tiền nữa “vì hết hứng, không thích”. Lý do chuối cả nải. Hay việc bị khách cho leo cây như cơm bữa, bị môi giới khác hẫng tay trên cướp khách. Rồi đến cả trường hợp bị “cắt m.á.u”, tiền hoa hồng có chút mà bị người mua/người bán ăn chặn.

Môi giới nam làm nghề này đã thấy vất vả, nữ làm nghề này còn vất vả hơn. Ngoài những cái kể trên, các bạn có dễ bị khách “gạ tình”. Xinh đẹp và duyên dáng quá trong nghề vừa là cái lợi vừa là cái hại. Rất nhiều môi giới nữ sau khi đi gặp khách hàng đã bị gạ làm sugar baby.

Bị người đời khinh khỉnh, gắn mác “cò đất”. Đừng vơ đũa cả nắm, đánh đồng như vậy. Vì có rất nhiều môi giới có tâm với nghề. Họ có chứng chỉ hành nghề đàng hoàng, luôn hướng tới lợi ích của khách hàng. Còn cò đất nói thẳng là bọn dùng mánh khoé, chiêu trò để kiếm lợi nhuận. Môi giới sẽ có kiến thức chuyên môn cùng tầm nhìn và khả năng đánh giá thị trường. Hai nghề này không phải là một như mọi người vẫn nghĩ.

Đúng là nghề nào thì cũng có những cái được và cái mất. Nhưng môi giới chúng tôi để được thì mất khá nhiều.?

Môi giới bất động sản liệu có phải nghề dễ vỡ mộng?

Vào nghề được 3 năm, phải thừa nhận một điều, môi giới là nghề có tỷ lệ nhân sự bỏ việc giữa chừng khá cao. Có người sau 1, 2 hoặc vài năm nhưng có người chỉ sau vài tháng là từ bỏ.
Còn người đời thì vẫn gắn mác “cò đất”, “dùng miệng để kiểm ăn”, “ai mà chả làm được” cho những người hành nghề này. Nhưng sự thật là, môi giới là công việc rất khó khăn. Vì vậy nhiều người thấy “vỡ mộng” nên sớm “bỏ cuộc chơi”.

Làm môi giới là phải quen với việc bị khách cho leo cây. Sẽ có những ngày, chạy đi chạy lại hơn trăm cây số để dẫn khách đi xem căn hộ. Đến nơi gọi mãi khách không nghe. Đợi giữa trưa nắng hơn 1 giờ đồng hồ thì thấy tin nhắn “để chị suy nghĩ thêm đã, rồi liên lạc với em”.

Mà chuyện này thì xảy ra như cơm bữa. Lương cứng thì được 3 cọc 3 đồng, chi tiêu sinh hoạt, đóng tiền nhà hết sạch. Mỗi tháng thêm vài lần leo cây như này nữa, nản lắm luôn.

Rồi có những khách mình tư vấn hết nước hết cái, nói chuyện điện thoại chán chê, giã họng chốt cọc căn hộ. Nhưng khi dẫn đến xem lại thay đổi ý định, với lý do chuối cả nải “anh không thích nữa”.

Cũng không thể trách các bạn khi bỏ nghề giữa chừng được. Vì một vài khó khăn kể trên là quá đủ để say bye rồi. Nghe mấy người thành công trong nghề rủ rê, mang theo ước mơ sớm giàu rồi lại vỡ mộng. Vì nghề này khó khăn quá, chắc không hợp nghề rồi.

Trên là nói về những người không tìm thấy chân ái ở nghề môi giới. Chứ nghề này “nên duyên” nhiều mối tình lắm, vì nhiều môi giới thành công lắm. Mua nhà, mua đất chứ có phải mua mớ rau ngoài chợ đâu. Mình làm môi giới, phải hiểu và chiều ý khách tý.

Nghề này cũng chẳng phải như mọi người hay nghĩ “ai cũng làm được”, làm gì có chuyện dễ ăn thế. Để trở thành người môi giới thành công, đòi hỏi anh cũng phải có cái gì đấy.

Đầu tiên là phải kiên trì, thấy bại không nản. Mua miếng đất, cái nhà, căn hộ chứ có phải mua mớ rau ngoài chợ đâu mà khách một phát chốt ăn ngay được. Ngoài ra anh cũng phải có kiến thức về bất động sản. Cái thời mà “uốn 3 tất lưỡi” là có thể tạo cơn sốt đất, bán xong căn nhà đã qua rồi. Giờ khách hàng họ thông minh lắm, biết ngay ông nào môi giới giỏi, ông nào “cò đất” lởm. Vì vậy, phải trang bị kiến thức thì khách mới an tâm “chọn mặt gửi vàng” được.

Xây dựng uy tín và thương hiệu cá nhân cũng là yếu tố giúp bạn thành công với nghề này. Bởi thị trường giờ những ông “cò đất” lợi dụng cơ hội thổi giá thành cơn sốt đất, chộp giật, thủ đoạn sẽ không có chỗ đứng. Khi bạn xây dựng được uy tín cho mình và có thương hiệu cá nhân riêng, khách hàng sẽ an tâm làm việc với bạn.

Đừng bán cho khách những bất động sản lởm chỉ vì hoa hồng cao. Lợi trước mắt thôi nhưng hại về sau đó. Mình làm nghề này, cũng phải đặt lợi ích khách hàng lên đầu. Bạn cứ bán cái chất lượng, tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm thì chả có cớ gì thành công lại không đến với bạn cả?

Bài viết được sưu tầm các bạn nhé! nếu các bạn thấy hữu ích thì hãy giúp mình chia sẻ bài viết này đến nhiều người hơn nhé! và không quên để lại bình luận của các bạn ở bên dưới để chúng ta cùng thảo luận nha.

Tác giả: Phúc Trịnh