06/01/2020 129 lượt xem
Phóng to/ thu nhỏ chữ:

Khác biệt giữa “cò đất” và chuyên viên tư vấn bất động sản cấp cao doanh số triệu đô

Nếu như nghề Môi giới BĐS ở các nước phát triển luôn nằm trong top nghề được đánh giá cao và có thu nhập tốt thì tại Việt Nam, đội ngũ Tư vấn BĐS có chất lượng không nhiều và thị trường vẫn còn cái nhìn chủ quan về nghề.

“Cò đất” khác môi giới BĐS chuyên nghiệp thế nào?

chuyen vien moi gioi bat dong san

Từ những năm 1997 – 1998, từ “cò đất” bắt đầu xuất hiện trên thị trường để chỉ những người trung gian giữa người mua và người bán BĐS để lấy hoa hồng. Theo sự “trưởng thành” của thị trường và mức độ phổ biến của hình thức kinh doanh này, chặng đường từ “cò đất” lên môi giới BĐS, rồi lên “tư vấn BĐS” được hình thành. Tại thời điểm hiện nay, không thể phủ nhận môi giới BĐS trở thành kênh phân phối, đối tác quan trọng không thể thiếu của các nhà phát triển BĐS nhà ở trên phạm vi cả nước.

Thế nhưng, rõ ràng, xã hội vẫn đang “nhập nhằng” giữa các khái niệm và có những cái nhìn chưa đúng về nghề, có hiện tượng đánh đồng giữa những môi giới không chuyên với các tư vấn viên được đào tạo chuyên nghiệp.

“Trên thị trường hiện nay rất nhiều môi giới nghiệp dư, đi làm môi giới ở mọi lứa tuổi và xem đó là ngành nhanh làm giàu, mặc dù không rõ về pháp lý dự án để tư vấn cho khách hàng. Những người này thường thấy thị trường sốt thì “nhảy” vào, hết sốt thì nghỉ.

Đó chính là lý do thị trường nhìn nhận nghề môi giới bằng những từ ngữ chưa đúng như “cò đất”, bởi người ta nghĩ rằng những người làm công việc là tranh thủ, là cơ hội, nhìn vào lợi ích của họ nhiều hơn khách hàng…”, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng – Phó Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều người đã gặp phải rủi ro khi giao dịch BĐS thông qua hoạt động môi giới BĐS không chuyên nghiệp như bị tổn thất tiền bạc, thậm chí bị lừa đảo, chiếm dụng vốn. Hình ảnh nghề môi giới BĐS vì thế phải chịu ấn tượng xấu trong xã hội.

Trong khi đó, tại các nước phát triển, môi giới BĐS được tôn trọng gọi là “Realtor” hoặc “ Real estate Broker”: là các tổ chức, cá nhân đại diện cho khách hàng, kết nối và hỗ trợ các giao dịch BĐS; chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng và tính hợp pháp của các giao dịch, mua, bán BĐS.

“Có sự khác biệt rất lớn về hình ảnh của nhà Môi giới BĐS hành nghề tại Việt Nam và quốc tế mà nguyên nhân xuất phát từ yếu tố lịch sử, các định kiến xã hội và trên hết là từ hệ thống tổ chức, cơ chế vận hành, thực thi, quản lý nhà nước về hành nghề môi giới BĐS tại Việt Nam so với các nước phát triển”, Phó Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Hoàng chỉ ra, số lượng người hành nghề môi giới BĐS khoảng 300.000 người. Trong đó, số môi giới BĐS đủ điều kiện hành nghề theo quy định của luật kinh doanh BĐS (được cấp chứng chỉ hành nghề) khoảng 30.000- 35.000 người chỉ chiếm khoảng 10% – 12% người hành nghề thực tế.

Khi nghề môi giới đạt đỉnh cao

Thực tế, vẫn có rất nhiều các môi giới BĐS trở thành Tư vấn BĐS cấp cao tại các tập đoàn lớn, đem lại giá trị cao không chỉ cho khách hàng mà còn khẳng định vị thế bản thân. Họ là những con người đi lên từ một nhân viên môi giới BĐS, nhờ sự nỗ lực mà đạt được những thành quả nhất định, được doanh nghiệp ghi nhận và trở thành Tư vấn viên có kiến thức, chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.

Anh Văn Bình – một Chuyên viên tư vấn cao cấp, là thành viên của Câu lạc bộ BĐS triệu đô Novaland (Novaland Milion Dollar Club – NMDC), chia sẻ rằng nghề dịch vụ BĐS tưởng dễ mà không hề dễ. Đó phải là một quá trình rèn giũa, nỗ lực không ngừng nghỉ, trang bị cả về kiến thức lẫn kỹ năng.

Chuyên viên tư vấn cấp cao này cho biết, với đặc thù sản phẩm BĐS có giá trị lớn, vòng đời sản phẩm dài thì nghề môi giới hiện nay không chỉ chốt giao dịch là xong mà cần mang lại lợi ích cho khách hàng và cam kết những giá trị bền vững, lâu dài. Vì thế “bản thân những người sống trong nghề, trân trọng nghề nghiệp như chúng tôi sẽ luôn muốn xã hội nhìn nhận đúng về nghề này, đề cao những giá trị nghề nghiệp mà chúng tôi đã và đang mang lại cho khách hàng, đối tác”.

Nhiều doanh nghiệp BĐS lớn hiện nay đã và đang ngày càng khẳng định sự khác biệt rất rõ ràng giữa những môi giới không chuyên và những chuyên viên tư vấn được khách hàng đánh giá cao. Trong đó, một số đơn vị đã thừa nhận vai trò của tư vấn song song với sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp mình bằng cách tạo ra “sân chơi” và những phần thưởng xứng đáng cho đội ngũ kinh doanh của mình.

Chẳng hạn như Câu lạc bộ BĐS triệu đô mà Novaland đang triển khai, thành viên của câu lạc bộ là những chuyên viên tư vấn BĐS ưu tú với doanh số vượt trội, sẽ có được những đặc quyền hiếm có: khóa đào tạo kỹ năng bán hàng tại nước ngoài; có thư ký riêng; tiếp khách bằng xe sang, du thuyền, phòng VIP; đi công tác với vé máy bay hạng thương gia…

Để đủ điều kiện gia nhập câu lạc bộ triệu đô Novaland, các chuyên viên tư vấn bất động sản cần đạt doanh thu 150 tỷ đồng một quý hoặc 120 tỷ đồng trong 2 quý liên tục.

Một chuyên gia nhân sự ngành BĐS cho rằng, một doanh nghiệp muốn giữ chân nhân tài cần giải quyết được ba vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng và minh bạch cho đội ngũ nhân viên. Thứ hai, xây dựng chính sách đãi ngộ, phúc lợi hấp dẫn để thúc đẩy nhân viên nỗ lực làm việc hết mình. Thứ ba, đảm bảo nguồn hàng phong phú, từ đó gia tăng cơ hội nâng cao thu nhập cho nhân viên.

Nguồn: Nhịp Sống Kinh Tế

Tác giả: Phúc Trịnh