04/03/2023 299 lượt xem
Phóng to/ thu nhỏ chữ:

Xã Tịnh Khê

Tịnh Khê, một xã đồng bằng ven biển, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi về hướng Đông Bắc 15 km. Phía bắc và đông bắc giáp xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, phía nam, tây nam giáp sông Trà Khúc và xã Tịnh Long, phía tây, tây bắc giáp xã Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, phía đông giáp biển đông.

Tổng diện tích tự nhiên của xã là 15,503km2, trong đó diện tích canh tác hơn 700ha, đất đai chủ yếu là đất cát bạc màu chỉ thích hợp cho trồng cây mì (sắn), huỳnh tinh, bắp, một phần diện tích đất thịt nhẹ để trồng lúa ở các thôn Tư Cung, Trường Định, Mỹ Lại. Thôn Cổ Lũy nằm sát bờ biển ngăn cách với các thôn khác trong xã bởi dòng sông Kinh Giang.

Nhân dân thôn Cổ Lũy chủ yếu sống về nghề khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, đất đai chủ yếu là đất cát trắng, thích hợp cho việc trồng cây dừa lấy quả và cây phi lao, phục vụ đời sống, mà chủ yếu chắn gió và phòng hộ. Ngoài ra trong xã còn có một số ngọn núi có độ cao từ khoảng 100m trở xuống so với mực nước biển hầu hết là núi đá dùng để trồng cây tạo nguồn chất đốt. Một số ngọn núi có vị trí chiến lược quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, chống mỹ như núi Đầu Voi, núi Ngang….

Xã có bờ biển dài khoảng 7 km, với những ngọn núi cao nhô ra sát biển và đồng ruộng xen kẽ, tạo nên địa hình khá đa dạng, phức tạp đất đai không thuận lợi tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của xã Tịnh Khê từ xưa đến nay.

Bờ biển dài với bãi cát vàng óng tạo nên thắng cảnh thơ mộng, mà người dân gọi là bãi biển Mỹ Khê (biển đẹp), nơi thu hút người dân và du khách thập phương đến tắm biển, vãn cảnh và thưởng thức những sản vật ngon của biển quê hương. Chính tại bãi biển này đã chứng kiến sự ra đời của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi năm 1927, do đồng chí Trương Quang Trọng làm Bí thư (1), tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

thon-my-lai

Bãi biển Mỹ Khê nằm dọc theo thôn Cổ Lũy, một thôn ở giữa bốn bề sông nước, một bên là biển đông bao la, một bên là dòng sông Kinh hiền hòa, lặng lẽ( 2), những rặng dừa cao vút hòa cùng tiếng gió phi lao (rừng dương) quyện vào khói sương chiều bảng lảng, tạo nên một “Cổ Lũy Cô thôn” bên bờ bắc sông Trà Khúc thơ mộng, từng được người xưa ca ngợi là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.

(1) Đồng chí Trương Quang Trọng, Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi kiêm Bí thư Huyện bộ Sơn Tịnh, nguyên qnán làng Mỹ Khê Tây, nhưng gia đình sinh sống tại làng Phú Nhơn, nay là thị trấn Sơn Tịnh.

(2) Trước đây từ thôn Cổ Lũy đi sang Tịnh Kỳ trong mùa mưa lũ người dân phải đi đò qua cửa Lở, mùa nắng phải đi qua bãi cát trắng rộng. Từ sau năm 1990, Nhà nước đã đầu tư trồng rừng phi lao trên bãi cát và làm tuyến đường bộ Khê – Kỳ qua rừng phi lao Cửa Lở, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Dòng sông Trà Khúc từ thượng nguồn đưa nước về xuôi, trước khi đổ ra Cửa Đại hòa nhập vào đại dương bao la, thì có một nhánh nhỏ rẽ ngang thành một dòng sông nhỏ gọi là sông Kênh (đọc chệch thành sông Kinh), tức sông Kinh Giang. Dòng sông bắt đầu từ Cửa Đại còn gọi là cửa Cổ Lũy (ranh giới giữa huyện Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa) chạy ra hướng bắc dọc theo thôn Cổ Lũy, đến thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ thì uốn mình dọc theo bờ đập ngăn mặn Khê – Hòa để nhập vào sông Chợ Mới, chảy qua xã Tịnh Hòa rồi đổ ra Cửa Sa Kỳ (ranh giới giữa huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh), vừa là tuyến giao thông đường thủy quan trọng từ biển lên nguồn và ngược lại; vừa là nơi cung cấp nguồn thủy sản nước lợ khá phong phú: cá, tôm, cua, rạm, v.v… cùng những bãi cói, rừng dừa nước bạt ngàn có giá trị kinh tế và quân sự.

Sông Kinh nước chảy 2 chiều theo con nước lớn, nước ròng. Điểm đặc biệt của dòng sông Kinh là nằm giữa cửa biển Cổ Lũy và đập ngăn mặn Khê – Hòa (ngăn nước mặn từ Cửa Sa Kỳ chảy vào), khi thủy triều lên, nước từ 2 cửa biển cùng chảy vào sông đến Bến Lội Cây Quăng của Khê Thủy A (giáp Khê Thành A) thì 2 dòng nước xuôi ngược gặp nhau, nên nhân dân thường gọi nước sông ở đoạn sông này là Nước Giáp (giáp nhau giữa 2 dòng nước). Tùy theo nước từ nguồn sông Trà Khúc chảy về, nếu cao hơn mực nước thủy triều từ biển chảy vào thì dòng nước từ cửa Cổ Lũy chảy đến Bến Lội Cây Quăng sẽ có độ mặn, ngọt khác nhau. Còn dòng nước từ cửa Sa Kỳ chảy lên có độ mặn khá ổn định.

thon-my-lai

Rừng dừa nước ngút ngàn rộng hàng chục ha dọc theo sông Kinh từ Khê Hội, đầu xóm Gò đến Bến Lội Cây Quăng, Xuân Dương của Khê Thành A là căn cứ lõm, nơi trú ẩn an toàn của cán bộ, đảng viên, du kích xã, nơi đứng chân của đội công tác một số xã khu đông Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi và một số đơn vị vũ trang của tỉnh, huyện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi du kích, bộ đội xuất trận để tiêu diệt địch, lập nên những chiến công oanh liệt. Năm 2005, Rừng dừa nước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Cùng với sông Kinh, phía tây xã giáp Bàu Khổng, Tịnh Thiện, phía tây bắc giáp sông Diêm Điền (một nhánh của sông Trà Khúc), khi đến Tịnh Khê thì rẽ thành 2 nhánh, một nhánh đi vào giữa xã Tịnh Khê gọi là sông Sau. Một nhánh khác còn gọi là sông Chợ Mới làm thành ranh giới tự nhiên với xã Tịnh Hòa chảy xuống bờ đập Khê – Hòa đổ ra cửa Sa Kỳ(1). Dọc sông là những cánh đồng màu mỡ để trồng lúa và đầm lầy, nơi sinh sống của các loài thủy sản. Trước đây, khi thủy triều lên, đồng ruộng thường bị nước biển xâm thực, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Mãi đến năm 1938, chính quyền thời bấy giờ mới tổ chức cho nhân dân đắp đập ngăn mặn, nối hai bên bờ sông từ Tịnh Khê sang Tịnh Hòa (trước gọi là đập Tư Cung, sau gọi là đập Quang Mỹ hay đập Khê – Hòa). Trong 21 năm chống Mỹ, đập thường xuyên bị địch đánh phá, làm nước mặn tràn vào, phá hoại sản xuất, song chính quyền cách mạng vẫn động viên nhân dân tranh thủ tu sửa để cấy trồng đảm bảo đời sống. Sau ngày giải phóng năm 1975, với tinh thần tự lực cánh sinh, Đảng bộ Sơn Tịnh đã huy động hàng triệu ngày công của nhân dân trong huyện cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đập ngăn mặn Khê – Hoà đã được sửa chữa và nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hoá và sản xuất của nhân dân.

(1) Từ năm 2010, xã Tịnh Hòa đã lấp một phần sông Chợ Mới để thành lập khu dân cư, phần sông còn lại thuộc xã Tịnh Khê.

Nằm chung trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu ở đây có hai mùa rõ rệt. Mùa nắng từ tháng 2 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình từ 250đến 320, thỉnh thoảng có những đợt nắng nóng, nhiệt độ lên tới 36,370c. Mùa mưa cũng là mùa bão lũ, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau. Có năm lụt lớn gây thiệt hại không nhỏ về người và của cho nhân dân trong xã, nhưng cũng đem lại một nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng ruộng.

thon-truong-dinh

Bãi biển đẹp, với những hàng dừa quanh năm rủ bóng hai bên bờ Kinh Giang, những chiếc ghe, thuyền lướt nhẹ trên sông, làm xao động lòng người cùng làm cho khí hậu quanh năm mát mẻ, dễ chịu, rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, dưỡng sức. Từng được người xưa gọi là đất “Thừa lương”, thời phong kiến đã cho xây dựng một nhà nghỉ mát để đón những vị quan triều đình về nghỉ dưỡng ngày hè, nên họ đã có sự so sánh “Nhất Huế, nhì Khê”. Ngày nay, ngoài hệ thống nhà hàng, khách sạn….. tại đây đã có một khu dưỡng lão (điểm nghỉ ngơi) của những người cao tuổi, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh quản lý.

Một số ngọn núi có độ cao từ 69 đến 99 mét so với mặt nước biển, có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Núi Đầu Voi và núi Ngang đã được cắm cờ đỏ búa liềm từ những năm 1930 để báo hiệu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp là nơi luyện tập quân sự của dân quân, tự vệ, được đặt bồ có quét vôi trắng để báo động cho nhân dân biết mỗi khi có tàu địch đến. Thời kháng chiến chống Mỹ, địch chiếm làm chốt điểm để theo dõi, khống chế phong trào cách mạng trong xã. Đây cũng là địa điểm diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt giữa ta và địch. Hai ngọn núi này nằm chếch về hướng tây nam của xã, dân gian còn gọi là Hòn Tranh (núi Ngang), Hòn Gióng (núi Đầu Voi), là dấu mốc để ngư dân đi biển định hướng về đất liền “Ngó vô Tranh, Gióng liền kề”.

Từ biển nhìn vào, Tịnh Khê như con voi nằm phủ phục mà đầu ngẩng cao nên gọi là núi Đầu Voi (tức Hòn Gióng, còn có tên gọi khác là núi Thiên Thai). Núi Ngang (tức Hòn Tranh, có tên gọi khác là núi Thiên Mã) nhô sát ra sông Trà Khúc về phía nam, nhìn xa giống như hình con ngựa đang phi.

Núi, sông, đồng ruộng, biển cả bao la quyện trong mây nước tạo nên bức tranh thủy mặc nên thơ. Trước mặt là đại dương bao la, sau lưng là núi cao làm điểm tựa, hai bên là những dòng sông uốn lượn, tạo nên địa hình tự nhiên thật đa dạng, phong phú, riêng biệt của đất Tịnh Khê.

Về giao thông, ngoài hệ thống giao thông bằng đường thủy, hệ thống giao thông đường bộ của Tịnh Khê ngày càng phát triển. Giữa xã có trục giao thông chính thời Pháp thuộc gọi là đường cái quan, nay gọi là Quốc lộ 24B nối với Quốc lộ 1A, từ đầu cầu Trà Khúc chạy xuống, còn có mạng lưới đường liên thôn, liên xóm. Trước đây đường sá chỉ là những lối đi mòn bằng đất, về mùa mưa thường lầy lội, sụt lở. Nhân dân hai bên bờ sông muốn qua lại phải đi bằng bè tre, ghe, đò. Cùng với sự phát triển của xã hội, những bến ghe đò được thay thế bằng những chiếc cầu tạm bằng tre, gỗ, rồi được bê tông hóa. Hiện nay, trên dòng sông Kinh đã có 2 chiếc cầu kiên cố bằng bê tông cốt thép bắc qua, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong vùng và đón du khách mọi miền đến tắm biển, nghỉ ngơi.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi: vừa có núi, sông, rừng, biển, ruộng đồng; vừa có nước ngọt, nước mặn và nước lợ, nên nghề nghiệp sinh sống của người dân trong xã cũng khá đa dạng. Người dân Tư Cung chủ yếu làm ruộng, trồng lúa nước. Dân làng Trường Định, Mỹ Lại trồng hoa màu như huỳnh tinh, mì (sắn), bắp, cây ăn quả. Ngư dân Cổ Lũy sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản khá đa dạng. Ở trong sông thì có nghề bè, trủ, thả rập, dăng nò, đơm đó. Khai thác hải sản gần bờ (trong lộng) thì có: nghề lưới dùng, lưới kéo (còn gọi là lưới quét – hiện nay không còn), lưới mành.

Đánh bắt ngoài khơi (xa bờ), có nghề lưới chuồn, câu mực, câu cá nhám, cá mập… Trước đây, một số người giàu có trong xã còn đóng loại ghe bầu, trọng tải từ 30 – 40 tấn để chở hàng hóa, sản vật của biển, lâm, thổ sản của núi rừng cũng như các loại đặc sản của địa phương như đường cát, đường phèn, đường phổi,… theo đường biển, đường sông đi buôn bán, trao đổi khắp nơi từ biển lên nguồn hay vào Nam tới tận Sài Gòn – Gia Định, ra Bắc đến mãi Đồ Sơn, Hải Phòng.

Ngoài những ngành nghề chủ yếu trên, trước đây nhân dân trong xã còn làm một số nghề thủ công truyền thống như: bện dây dừa ở xóm Mỹ Hội, chằm lá dừa nước để lợp nhà ở xóm Rớ, chằm nón ở xóm Đồng Nón, dệt vải ở Bàu Rong; dệt Chiếu ở Khê Thành B (Xuân Dương), Khê Thành A (Mỹ Xuân), Khê An (xóm Tuần), Khê Tân (xóm Cửa); nghề đóng ghe thuyền, đan lưới, trồng mía, nấu đường và đặc biệt là nghề chế biến bột huỳnh tinh, bột mì – đặc sản của xã để bán cho nhân dân các địa phương khác làm các loại bánh và các món ăn khác nhau.

Đặc biệt để khai thác thế mạnh của bờ biển, bãi tắm đẹp, Tịnh Khê đã và đang từng bước hình thành khu du lịch với những ngành, nghề dịch vụ khá đa dạng phong phú.

Trước đây, Tịnh Khê gồm có 03 làng: Tư Cung(1), Vĩnh Lại và Tân An thuộc tổng Bình Châu, huyện Bình Sơn, phủ Chương Nghĩa. Năm 1890 (năm Thành Thái thứ hai), huyện Bình Sơn được chia làm hai là Bình Sơn và Sơn Tịnh. Do dân cư ngày càng đông đúc, địa bàn lại rộng, làng Tư Cung được chia thành 2 gồm: Tư Cung Nam (một phần của đất Tịnh Khê ngày nay) và Tư Cung Bắc (một phần của đất Tịnh Hòa ngày nay). Làng Vĩnh Lại được chia thành làng Mỹ Khê Đông và Mỹ Khê Tây, thuộc tổng Châu, phủ Sơn Tịnh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tên các làng được gọi theo tên của những người có nhiều công lao đối với địa phương. làng Tư Cung Nam gọi là làng Cao Cái, làng Mỹ Khê Đông gọi là làng Trương Công Định, làng Mỹ Khê Tây gọi là làng Ngô Khiếu, làng Tân An gọi là làng Cao Khoa.

(1) Theo dân gian, làng Tư Cung được thành lập bởi công lao khai khẩn đất hoang, lập làng của những vị tiền hiền thuộc dòng dõi hoàng tộc từ miên Bắc vào. Nhớ ơn ông, những bậc có công lập nên làng, xóm dân làng đã dựng một ngôi đình lớn gọi là đình làng Tư Cung. Làng và đình Tư Cung đều rất rộng so với những đình, làng khác trong huyện, nên nhân dân thường nói “Rộng thùng thình như đình Tư Cung, như làng Tư Cung”. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, nội bộ trong làng xảy ra mâu thuẫn khá sâu sắc về việc phân chia ngôi vị, những chức sắc trong làng đã viết đơn gửi lên chính quyền đòi giải quyết. Và chính quyền phong kiến chia làng Tư Cung làm 2: Làng Tư Cung Bắc và Tư Cung Nam.

Năm 1946, chính quyền cách mạng quyết định sáp nhập các làng thành xã, tên các xã trong huyện được lấy chữ Tịnh làm đầu. Các làng Cao Cái, Trương Công Định, Ngô Khiếu, Võ Khoa được sáp nhập thành một xã gọi là xã Tịnh Khê, các làng trước đây gọi là thôn, tên gọi cũng có sự thay đổi như: làng Cao Cái có 2 thôn: Trường Định và Tư Cung, làng Trương Định gọi là thôn Mỹ Lại, làng Ngô Khiếu gọi là thôn Mỹ Khê, làng Võ Khoa gọi là thôn Cổ Lũy.

Đầu năm 1947, các xã Tịnh Hoà,Tịnh Kỳ, Tịnh Khê được sáp nhập thành một xã gọi là xã Tịnh Hải. Đến cuối năm 1947, xã Tịnh Hải lại chia ra làm 3 xã: Tịnh Khê, Tịnh Hoà, Tịnh Kỳ như cũ. Thời gian này Tịnh Khê còn 4 thôn: Trường Định, Tư Cung, Mỹ Lại, Cổ Lũy(1).

Năm 1958, Mỹ – Nguỵ quyết định đổi tên các xã trong huyện lấy chữ Sơn làm đầu, xã Tịnh Khê được đổi thành xã Sơn Mỹ, nhưng phía ta vẫn gọi là xã Tịnh Khê từ đó đến nay.

Hiện nay xã Tịnh Khê vẫn gồm 4 thôn: Tư Cung, Mỹ Lại, Trường Định và Cổ Lũy.

Dưới thời thực dân phong kiến, đời sống người dân vô cùng cơ cực, sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng ruộng đất lại tập trung phần lớn vào tay địa chủ, cường hào bao chiếm để phát canh, thu tô. Riêng làng Mỹ Khê Tây không có đất công điền. Những thôn khác diện tích ruộng đất công không nhiều, một phần ruộng tốt để dùng cho việc tế tự, lễ lộc chung của làng. Diện tích còn lại đem chia cho những gia đình có đàn ông từ 18 tuổi trở lên (còn gọi là dân đinh) cứ 3 năm chia lại một lần, nhưng ruộng đất tốt lại do cường hào và những người có thế lực trong làng bao chiếm để cho thuê lại.

Còn đa số người dân nghèo chỉ được chia một ít diện tích ruộng đất xấu. Nên người bần, cố nông quanh năm phải đi cày thuê, làm mướn, cho địa chủ, phú nông, cường hào, đến vụ thu hoạch phải nộp cho chúng 2/3 sản phẩm làm ra. Mỗi năm chỉ gieo cấy được một vụ, chủ yếu nhờ vào nước trời, một số nơi nhân dân đào ao, đào giếng, múc nước bằng cần vọt để tưới, nên năng suất cây trồng rất thấp. Vì vậy, cuộc sống của họ không bao giờ đủ ăn, quanh năm nợ nần chồng chất, ăn vay mùa trước, trả nợ mùa sau.

Cuộc sống bình thường đã vậy, gặp năm hạn hán kéo dài hoặc lũ lụt làm sạt lở bờ đập, nước mặn dâng lên làm mùa màng mất trắng, người dân chỉ còn biết hái trái sung, trái vả, mò cua, bắt ốc để sống qua ngày. Nhiều người phải tha phương, cầu thực, sống vất vưởng hoặc đi làm phu xe lửa, cu ly trong các đồn điền cao su, cà phê ở các tỉnh nam bộ. Trong những năm 30 của thế kỷ XX, xóm Đồng Trâm có 70 người phải rời quê đi kiếm sống khắp nơi, nhưng 20 người không bao giờ có dịp trở về.

  • (1) Thôn Tư Cung có 5 xóm: Khê Thượng (Trường An), Khê Thuận (xóm Thuận yên Làng), Khê Tây (Bình Lương Tây), Khê Đông (Bình Lương Đông), Khê Hòa (Trung Hòa).
  • Thôn Trường Định có 6 xóm: Khê Thủy A, Khê Thủy B (xóm Rớ-Cây Quăng), Khê Bình (Đồng Nón), Khê Định (Bàu Rong), Khê Trung (Đồng Ráng), Khê Nam (xóm Bãi).
  • Thôn Cổ Lũy có 5 xóm: Khê Hội (Mỹ Hội), Khê Thành A (Mỹ Xuân), Khê Thành B (Xuân Dương), Khê An (xóm Tuần), Khê Tân (xóm Cửa).
  • Thôn Mỹ Lại có 6 xóm: Khê Ba, Mỹ Khê Tây, Khê Hiệp (Trường Kho), Khê Thọ (Đồng Trâm, Đồng Đế), Khê Xuân (Cồn Chiếu, xóm Lỗ), Khê Thành (Mỹ Khê Đông).

Đối với ngư dân, dụng cụ đánh bắt, khai thác hải sản còn quá thô sơ, gặp lúc biển động họ chỉ còn cách ở nhà ăn cháo cầm hơi. Một số gia đình khá giả, mua sắm được ghe thuyền lớn thì tổ chức đi đánh bắt ngoài khơi theo mùa cá chuồn tới tận các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc chở hàng hóa đi buôn bán khắp nơi. Khi giông tố bất ngờ nổi lên thì tính mạng của họ chỉ còn là sự may rủi, nên thường bị thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, đời sống của đa số ngư dân vùng biển thường thiếu ăn triền miên.

thon-tu-cung

Đã vậy, người dân còn phải chịu bao cảnh áp bức, đè nén của thực dân, phong kiến. Ngoài nộp tô tức, họ còn phải đóng nhiều thứ thuế khác, đặc biệt là thuế đinh, còn gọi là thuế thân. Thứ thuế đánh trực tiếp lên đầu mỗi nam nông dân từ 18- 60 tuổi. Mỗi suất thuế đinh lúc bấy giờ phải nộp từ 2,7 đến 3,2 đồng bạc Đông Dương cho chính mạng sống của mình (giá 1 đồng bạc lúc ấy mua được mười ang lúa).

Đến mùa thu thuế thì trống giục, mõ đánh liên hồi, hết thời hạn ai không có tiền nộp thì bị bọn lý hương đánh đập rất tàn bạo, nhiều người buộc phải thế chấp, cầm cố ruộng vườn, vay nặng lãi của địa chủ với giá cắt cổ, hoặc bán vợ, cho con đi ở đợ để lấy tiền nộp thuế. Bên cạnh đó là nạn tạp dịch đi làm xâu, công ích, tư ích cũng đè nặng lên vai người nông dân. Mỗi năm họ phải đi làm không công cho chính quyền thực dân và bọn cai trị trong làng 48 ngày, sau giảm xuống còn một nửa hoặc nộp bằng tiền. Do lao dịch quá nặng nề, nhiều người đói rét, đau ốm không thuốc chữa trị, lại thường xuyên bị đòn roi của bọn cai thầu, phải bỏ xác nơi rừng sâu, nước độc.

Như những làng xã khác ở Quảng Ngãi, nguồn gốc cư dân xã Tịnh Khê chủ yếu từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, một số ở Hưng Yên, Sơn Tây, Sơn Nam (Hà Tây, Hà Đông – nay là Hà Nội) đi theo các đợt di dân do triều đình tổ chức, hay binh lính đi mở mang bờ cõi rồi ở lại sinh sống, lập nghiệp. Trải qua thời gian, những người có công khai phá đất đai, lập nên làng xóm được gọi là tiền hiền của các dòng họ và lớp lớp con cháu của các vị ấy thời phong kiến được coi là dân chính cư. Còn những người đến sinh cơ, lập nghiệp sau gọi là dân ngụ cư. Nên trong việc đối xử có sự phân biệt giữa dân chính cư và dân ngụ cư. Dân ngụ cư không được chia ruộng đất công, vào những ngày lễ hội phải lo phục vụ tất cả mọi việc và không được ngồi vào bàn ăn như dân chính cư…..

Ngoài sự phân biệt dân chính cư, dân ngụ cư, chế độ phong kiến thực dân, còn phân chia người dân thành các thứ hạng khác nhau như: Miễn sai, tráng đinh và bạch đinh. Mỗi thứ hạng được hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ khác nhau. Hạng miễn sai thuộc giai cấp địa chủ, những người giàu, có chức tước, thế lực, phẩm hàm, học vị….. họ được miễn đi làm xâu, miễn đóng các loại thuế, được bàn bạc, quyết định những công việc của làng xóm, được “ăn trên, ngồi trước”.

Tráng đinh thuộc tầng lớp bần nông, trung nông, còn gọi là dân đinh là những đàn ông khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi và phải đóng thuế đinh (thuế thân) hàng năm. Trán đinh được chia ruộng ở những làng có ruộng đất công. Bạch đinh thuộc tầng lớp cố nông, là lớp người nghèo khổ, khốn cùng nhất trong xã hội. Không một tấc đất cắm dùi, quanh năm họ phải đi làm thuê, làm mướn cho địa chủ, phú nông.

Riêng làng Vĩnh Lại (Mỹ Khê Tây), có nhiều người làm quan, được bổ nhiệm và thăng các phẩm hàm, phẩm vị khác nhau qua các triều vua trong Triều đình Huế. Nên trong dân gian còn truyền nhau câu ca:

“Bao giờ Thiên Mã(1) qua sông,

thì làng Vĩnh Lại mới không công hầu”

Thiên Mã tức là núi Thiên Mã, còn gọi là núi Ngang hay Hòn Tranh.

Ỷ vào thế lực của những vị quan trong Triều, một số con cháu của họ được gọi là Ấm tôn, Ấm tử còn gọi là “Quan tại gia” đã lên mặt hống hách, coi thường quyền lợi, tính mạng của người dân trong vùng. Có tên được phát thẻ bài có quyền chém giết bất cứ người nào rồi trình báo sau (tiền trảm, hậu tấu) làm cho nhân dân vô cùng căm giận, oán ghét.

Để dễ bề kiểm soát nhân dân, thực dân Pháp đề ra chính sách “chia để trị”, chú trọng xây dựng bộ máy cai trị ở làng. Mỗi làng có lý trưởng, phó lý trưởng và ngũ hương.

Lý trưởng và phó lý trưởng chịu trách nhiệm cai quản tất cả mọi việc trong làng, trực tiếp nắm dân và thu thuế đinh, điền.

  • Hương Bộ : Chuyên lo việc sinh tử, kết hôn, giá thú.
  • Hương Kiểm: Chuyên lo việc kiểm soát, tuần tra, giữ gìn trật tự, an ninh làng xóm.
  • Hương Dịch : Chuyên lo việc đốc thúc, sửa chữa cầu cống, giao thông và thu tiền công ích.
  • Hương Bổn : Chuyên lo việc thu, chi tài chính.
  • Hương Mục : Chuyên lo việc quản lý rừng núi, ruộng đất của làng.

Ngoài ra còn có Hội đồng kỳ hào mục gồm những người giàu, có thế lực, nguyên là những người có chức tước đã nghỉ việc như chánh, phó tổng, lý, hương, đứng đầu là một đại hào mục. Tuy không quản lý trực tiếp, nhưng Hội đồng này có quyền bàn và quyết định những việc của làng như kiến thiết, tu sửa đường sá, cầu cống, hay xử các vụ kiện tụng, tranh chấp của nhân dân. Quyền lợi của tầng lớp này gắn chặt với thực dân phong kiến.

Dưới làng lại chia thành nhiều xóm, mỗi xóm có một ông chủ xóm, thủ bổn và một thập đoàn trưởng. Nhằm quản lý chặt những người trong họ tộc, thực dân Pháp đặt ra chức “Tộc biểu” do trưởng tộc phụ trách.

Về đời sống văn hoá, trước đây mỗi làng có một ngôi đình làm nơi hội họp của các chức sắc và nơi tổ chức lễ hội. Riêng làng Tư Cung có ngôi đình rất to, trong đình có thờ Bình Tây Đại nguyên soái, Trung thiên tướng quân Trương Định, nhiều sắc phong của triều đình Huế và nhiều đồ thờ quí giá khác. Khi làng Tư Cung bị chia làm hai: Tư Cung Bắc và Tư Cung Nam, bài vị thờ Trương Định cũng được rước về đình mới Tư Cung Nam. Do chiến tranh kéo dài, cả 2 ngôi đình đều bị phá hủy, những sắc phong, đồ thờ trong đình bị phân tán và đốt cháy. Hiện nay, chỉ còn lại dấu vết nền đình ở thôn Trung Sơn, Tịnh Hòa.

Trong sinh hoạt văn hóa dân gian, vào những đêm trăng sáng, nam nữ thanh niên thường tụ tập với nhau từng tốp vừa giã gạo, vừa hát, hò đối đáp, hát bội thể hiện khát vọng, ước mơ về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Hay những câu hát hố, hát hụi khi làm nhà, làm đường để quên đi nỗi mệt nhọc và công việc mau chóng hoàn thành. Ngư dân ven biển thì có hát bả trạo, múa sắc bùa, hò kéo lưới, các lễ hội đua ghe, đua thúng, bơi lội….

tinh-khe

Khi ốm đau người dân chỉ biết hái thuốc nam, những người khá giả thì bốc thuốc bắc để chữa trị. Nhiều người mê tín chỉ biết cúng bái tứ phương, số mệnh phó cho trời đất, nhất là khi có các loại dịch bệnh như thổ tả, thương hàn, đậu mùa. Nhiều người đã chết vì không có thuốc chữa trị. Phụ nữ sinh đẻ tại nhà, bà mụ lấy liềm cắt rốn, dễ bị nhiễm trùng, nên số trẻ đẻ ra bị tử vong khá cao. Điều kiện vệ sinh, phòng, chữa bệnh không được chú ý, đời sống đói kém nên tuổi thọ bình quân của người dân rất thấp.

Do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, nên trước năm 1930 mỗi làng có một trường “Đồng ấu”, sau đó có thêm một trường “kiêm bị” (tương đương với lớp 1, lớp 2 hiện nay) còn gọi là trường làng đặt tại xóm Trường Kho, làng Tư Cung Nam. Học sinh phần lớn là con em của những gia đình khá giả, giàu có. Chương trình học chủ yếu bằng chữ Nho, thầy giáo gọi là thầy đồ như thầy đồ Võ Ban, Võ Châu…. Ai muốn học lên cao hơn phải lên thị xã Quảng Ngãi rồi ra Huế hoặc vào Bình Định. Nhiều người học cao đậu hương tiến (cử nhân), tiến sĩ trong các kỳ thi do Triều đình Huế tổ chức như các ông Trương Đăng Quế(1), Trương Đăng Trinh(2), Nguyễn Luật, Trương Đăng Tuyển, Trương Quang Phùng, Trương Quang Kỳ v.v… và được bổ nhiệm làm quan trong các triều vua.

Tịnh Khê – nơi sản sinh ra những anh hùng, hào kiệt, những chiến sĩ cộng sản, những cán bộ cao cấp của Đảng đã được lịch sử và nhân dân ghi nhận sử như: Trương Đăng Đồ, một trong những Đô đốc của Nghĩa quân Tây Sơn trong thế kỷ XVIII; Anh hùng dân tộc Trương Định – một trong những thủ lĩnh đầu tiên đã tập hợp nhân dân Nam Kỳ đứng lên chống lại ách thống trị của thực dân Pháp ngay từ những năm đầu khi chúng mới đến xâm lược nước ta; Liệt sĩ Trương Quang Trọng – một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của huyện Sơn Tịnh cũng như tỉnh Quảng Ngãi, làm Bí thư tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi kiêm Bí thư huyện bộ Sơn Tịnh; Trương Quang Giao – một cán bộ cao cấp tận tụy, gương mẫu, một đời hết lòng vì Đảng, vì dân; Thiếu tướng Võ Bẩm – nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, người đầu tiên được Bác Hồ giao trọng trách mở đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) để vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam, góp phần quyết định cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Bảng v.v… Ngoài ra nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học nổi tiếng của đất nước cũng được sinh ra từ mảnh đất địa linh nhân kiệt này như: phó Giáo sư, Tiến sĩ triết học Trần Trung Chính, nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, …..và Tịnh Khê cũng là một trong 5 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên trong huyện được thành lập vào đầu năm 1930.

Điều kiện thiên nhiên thuận lợi, địa hình, địa vật phong phú, đa dạng nhưng trong xã hội có sự phân chia giai cấp nên nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và những người nghèo khổ, nhất là khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta thì mâu thuẫn giữa những kẻ đi xâm lược với nhân dân ta và bè lũ tay sai bán nước ngày càng thêm sâu sắc. Để đòi quyền được sống, được làm người tự do, nhân dân Tịnh Khê cũng như nhân dân cả nước luôn sẵn sàng đứng lên chống lại ách thống trị của thực dân phong kiến, xóa đi áp bức, bất công khi có người đứng ra hiệu triệu.

Nguồn: Quangngai.gov.vn

Tác giả: Phúc Trịnh