20/11/2022 115 lượt xem
Phóng to/ thu nhỏ chữ:

Một số đề xuất phát triển đô thị Thành phố Quảng Ngãi trở thành Thành phố sáng tạo

Thành phố (TP) Quảng Ngãi, với hơn 20km đường bờ biển, có vị trí thuận lợi cho các hoạt động kết nối kinh tế với các địa phương duyên hải miền Trung và cả nước; TP Quảng Ngãi gồm 09 phường và 14 xã, với vai trò là thủ phủ, trung tâm hành chính, chính trị, thương mại và dịch vụ đô thị của tỉnh Quảng Ngãi xác định phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường, gắn mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đi kèm với công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội với mục tiêu TP Quảng Ngãi trở thành một đô thị xanh – thông minh trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, với các tiềm năng và lợi thế hiện có, TP Quảng Ngãi có một số định hướng phát triển: (i) Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị, từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, trở thành đô thị thông minh; (ii) đẩy mạnh mở rộng khu vực đô thị ven sông hướng biển về phía Đông…; (iii) nghiên cứu, mở rộng các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ…

thanh-pho-quang-ngai-sang-tao

Thực trạng và định hướng phát triển đô thị TP Quảng Ngãi

TP Quảng Ngãi có vị trí dễ tiếp cận các trọng điểm kinh tế ở miền Trung và các huyện trong tỉnh. Việc khai thác hiệu quả quỹ đất nông ngư nghiệp và nguồn nước dồi dào phù hợp với việc phát triển nông nghiệp và phục vụ du lịch, kết hợp với thế mạnh về khai thác di sản văn hóa, sự thuận lợi trong kết nối giao thông và đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ… đẩy mạnh phát triển ngành thương mại-dịch vụ và trở thành một trung tâm giáo dục, tài chính và du lịch.

I- Khu đô thị mật độ cao với trung tâm hành chính – chính trị, trung tâm tài chính – thương mại – văn phòng, trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, trung tâm logistic và các khu dân cư tập trung mật độ cao. Trong đó chú trọng tổ chức hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với khu trung tâm hiện hữu và các khu công nghiệp; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, công viên, cây xanh… hình thành trung tâm dịch vụ; chỉnh trang và ưu tiên phát triển các dự án đô thị mới với mật độ cao. Từng bước cải tạo, chỉnh trang các khu ở hiện trạng và xây dựng mới theo quy hoạch, khai thác hiệu quả các quỹ đất trống nhằm bổ sung hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ.

II – Khu đô thị sinh thái mật độ thấp, là trung tâm nông nghiệp gắn với vùng cảnh quan nông nghiệp hiện hữu, là quỹ đất dự trữ cho tương lai, là không gian chuyển tiếp kết nối hoạt động du lịch từ trung tâm về phía biển. TP định hướng phát triển nông thôn theo mô hình “Nông nghiệp đô thị”, tạo ra mạng lưới xanh, môi trường sống tốt cho TP và vùng phụ cận nhằm thích ứng với những tác động tiêu cực, hạn chế những rủi ro của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa kết hợp với du lịch và ứng dụng nông nghiệp 4.0 nhằm phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh rau, củ, quả, an toàn, trồng hoa, trồng cây cảnh.

III – Khu đô thị mới phía Đông TP Quảng Ngãi định hướng phát triển du lịch, khai thác các đặc điểm của địa phương với các chức năng chính: Thương mại, dịch vụ, du lịch, hậu cần nghề cá. Cụ thể là khai thác hiệu quả các quỹ đất bỏ hoang để bổ sung công trình công cộng phục vụ người dân. Đồng thời, cải tạo và khai thác các dịch vụ tại các điểm tham quan (rừng dừa nước Tịnh Khê, Cửa Đại, Thạch Kỳ Điếu Tẩu,…); tiếp tục kiểm soát và giảm mật độ các khu vực dân cư xuống cấp, chỉnh trang không gian khu ở bằng việc nâng cấp tại chỗ hạ tầng đường sá, thoát nước hiện hữu, bổ sung không gian xanh (công viên, vườn hoa,…); đầu tư hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi khu vực đô thị ven biển với khu trung tâm, phát triển các khu vực hỗn hợp ven biển với các chức năng chính: Dịch vụ – du lịch biển, công viên – quảng trường biển và khu đô thị mới…

Những vấn đề cần quan tâm trong phát triển đô thị

Theo số liệu thống kê, dự báo tỷ lệ tăng dân số trung bình của TP Quảng Ngãi là 2,83% (giai đoạn 2021 – 2030), trong đó tỷ lệ tăng tự nhiên ở mức 0,8% và tăng cơ học khoảng 2,03%. Tổng dân số năm 2030 khoảng 346.000 người và dân số quy đổi từ lượng khách du lịch khoảng 17.000 người do đó tổng dân số toàn TP năm 2030 khoảng 363.000 người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình giai đoạn 2030 – 2050 là 3,57%, trong đó tỷ lệ tăng tự nhiên ở mức 0,8% và tăng cơ học khoảng 2,77%. Tổng dân số năm 2050 khoảng 491.000 người và dân số quy đổi từ lượng khách du lịch khoảng 75.000 người . Dự báo tổng dân số toàn TP năm 2050 khoảng 566.000 người. Việc gia tăng dân số đô thị đặt ra những vấn đề cấp bách cần phải quan tâm:

Một là, dân số đô thị tăng làm gia tăng nhu cầu việc làm và thu nhập: Việc nhập cư bổ sung nguồn lao động cho đô thị là nhân tố thúc đẩy phát triển, nhưng nhập cư nhanh, ồ ạt thiếu kiểm soát sẽ gây thừa lao động, phát sinh “tầng lớp lao động ngoài kết cấu”; bên cạnh đó, lao động nhập cư phần lớn chưa được đào tạo, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng… tạo ra một khu vực hoạt động không chính quy.

Hai là, khi dân số nhập cư gia tăng nhanh, đô thị thiếu nhà ở. Từ đó, phát sinh các khu xây dựng trái phép hay những khu nhà ổ chuột ven ngoại vi TP. Việc tổ chức quy hoạch các không gian đô thị vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, vừa tổ chức không gian ở trong đô thị để khai thác tốt quỹ đất là vấn đề khó khăn.
Ba là, gia tăng dân số đô thị làm tăng nhu cầu về lương thực thực phẩm, trong khi đó, quá trình đô thị hóa là giảm tỉ lệ đất nông nghiệp và lao động nông nghiệp tăng chậm hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đô thị.

Đây là ba vấn đề lớn của tất cả các đô thị trong quá trình xây dựng và phát triển. Chính vì vậy, chính quyền đô thị cần quan tâm tổ chức không gian đô thị đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân bằng các giải pháp cụ thể, nhất là việc định hướng phát triển đô thị trở thành TP thông minh, khai thác hiệu quả tài nguyên và ứng dụng hạ tầng xanh đô thị cũng như quản lý rủi ro đô thị trong quá trình phát triển. Vì vậy, việc nghiên cứu các lý luận về phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, nắm bắt xu hướng và học hỏi kinh nghiệm phát triển từ các đô thị khác là điều kiện cần thiết để xây dựng TP Quảng Ngãi phát triển bền vững. Trong đó có việc nghiên cứu và định hướng phát triển đô thị TP Quảng Ngãi trở thành TP sáng tạo.

22A11032 2

Một số định hướng trong xây dựng và phát triển đô thị TP Quảng Ngãi

Đô thị Quảng Ngãi đang xây dựng định hướng phát triển, trong đó xác định khai thác hiệu quả tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững bằng các hoạt động đẩy mạnh sáng tạo. Đó là khai thác các nguồn lực con người để hướng đến hình thành bản sắc riêng biệt và độc đáo: Hướng tới lợi ích cho tất cả mọi cư dân đô thị đảm bảo sự đa dạng, sự hòa nhập và tham gia của cộng đồng với 04 mục tiêu hình thành: (i) đô thị với bản sắc riêng, (ii) phát triển hạ tầng xanh, (iii) ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo và (iv) quản lý các vấn đề hạn chế trong quy hoạch và xây dựng đô thị. Đây cũng là xu hướng chung về phát triển Mạng lưới TP sáng tạo (Creative Cities Network) do UNESCO thành lập năm 2004 (trong đó Hà Nội chính thức là thành viên năm 2019).

22A11032 6

1. Về quản lý hình thái đô thị

Trong xây dựng và phát triển đô thị, các giá trị hình thành xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa tùy thuộc vào từng thời điểm – giai đoạn khác nhau, phản ánh giá trị thực tế các hệ thống các quan niệm và nhận thức của xã hội trong việc tạo lập đô thị. Để TP Quảng Ngãi phát triển toàn diện, việc đầu tư nghiên cứu và khai thác các đặc điểm vốn có, hình thành nên bản sắc riêng là điều rất cần thiết. Có thể phân tích một vài ví dụ:

Đầu tiên là cần quan tâm là việc tạo lập các không gian cộng đồng có bản sắc bằng cách xác lập các điểm nhấn đô thị dựa trên các đặc điểm kiến trúc sẵn có: (i) thiết kế mặt đứng công trình kiến trúc, (ii) tổ chức các không gian cảnh quan với tác phẩm nghệ thuật, (iii) chú trọng yêu cầu thiết kế kiến trúc và quy hoạch phù hợp của công trình mới với công trình lân cận, (iv) khai thác cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử (Sông Trà Khúc, núi Thiên Ấn). Đây là điểm quan trọng có giá trị đặc biệt trong việc tạo lập các đặc điểm riêng cho đô thị Quảng Ngãi.

22A11032 3

Thứ hai, cần khuyến khích các hoạt động mang tính đặc trưng trong quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Cụ thể như khuyến khích và tổ chức quy hoạch, xây dựng các công trình kiến trúc gắn liền với các khái niệm mang tính sáng tạo, tạo lập không gian liên kết giữa các khu vực I, II và III, tổ chức các không gian cảnh quan kết nối hai bên bờ sông, góp phần làm mềm hóa không gian đô thị và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực do quá trình đô thị hóa (kỹ thuật hạ tầng, thiết chế giải trí gắn liền với không gian cây xanh, không gian đi bộ có bóng cây, hay xây dựng các đường riêng cho xe đạp…) góp phần xây dựng các giá trị tiện nghi sống cho cư dân đô thị. Đảm bảo an ninh, an toàn trong mọi hoạt động của người dân.

Thứ ba là, cần dung hòa các đặc tính thích nghi của nhiều thành phần trong đô thị. Đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, dự báo dân số TP Quảng Ngãi sẽ tăng hơn gấp đôi, nên cần chú trọng phát huy các giá trị văn hóa riêng biệt, giảm thiểu tối đa nguy cơ xung đột văn hóa giữa các nhóm người, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tạo việc làm cho người dân sẽ dung hòa được các giá trị khác biệt của từng nhóm.

Và cuối cùng là chú ý đến công tác quy hoạch đô thị với khu vực có mật độ cao nhằm khai thác tối ưu hiệu quả sử dụng đất bằng các công trình cao tầng tại khu vực trung tâm. Điều này giúp cho không gian tự nhiên được gìn giữ, giảm thời gian và khoảng cách đi lại trong đô thị, tăng cường tính tương hỗ giữa việc tổ chức chức năng đô thị kết hợp với không gian xanh.

2. Về phát triển hạ tầng xanh

Để phát triển đô thị TP Quảng Ngãi, việc phân vùng phát triển đã góp phần định hình rõ không gian chiến lược trong tương lai, đồng thời cần quan tâm đến một số vấn đề liên quan như: (i) Cần xây dựng mạng lưới kết nối giữa các vùng I-II-III để hình thành kết cấu khung liên tục với không gian xanh đảm bảo được hành lang kết nối sinh thái duy trì hệ sinh thái tự nhiên (dọc Sông Trà); (ii) khai thác hiệu quả trục đường chính dọc sông với hệ thống hạ tầng xanh trong quy hoạch và xây dựng các công trình nhà ở, thương mại, đường giao thông hay các yếu tố khác. Việc duy trì, bảo tồn và phát triển hệ thống này, sẽ xây dựng được hệ sinh thái hoàn thiện cho đô thị, đảm bảo đô thị phát triển bền vững, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của con người trong phát triển kinh tế xã hội và với thiên nhiên.

3. Về phát triển đô thị thông minh và đô thị sáng tạo

Trong hai thập niên qua, khái niệm về “Đô thị thông minh” đã luôn được nhắc đến với nội dung khai thác và sử dụng các giải pháp khoa học công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) nhằm xây dựng cuộc sống chất lượng cho cư dân. Có thể hiểu rằng: đô thị thông minh hướng đến việc phát triển bền vững và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực thông qua việc áp dụng và sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến trên quy mô rộng. Đây là mục tiêu không thể tách rời trong xây dựng và phát triển đô thị hiện đại.

Qua phân tích, TP Quảng Ngãi cần được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại nhằm thống kê và phân tích, xử lý các số liệu thu thập thông qua mạng lưới giám sát, từ đó nhận diện được chính xác những vấn đề mà đô thị đang gặp phải, từng bước điều chỉnh hiệu quả công tác quản lý đô thị, nâng cao nhận thức của người dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đô thị. Một là, việc áp dụng khoa học công nghệ – cụ thể là các thiết bị công nghệ – thay cho việc kiểm soát thủ công sẽ giúp cơ quan quản lý thực thi chức năng một cách “thông minh” và đạt được hiệu quả tối ưu trong điều hành và phát triển đô thị; hai là, bằng cách tiếp cận với khoa học công nghệ, cư dân đô thị tự trang bị nền tảng kiến thức để thực sự trở hành cư dân “thông minh”, đóng góp cho sự phát triển đô thị bền vững trong quá trình sinh sống tại đó. Và nhất là phải xây dựng được “tầm nhìn thông minh” bằng cách quản lý và kiểm soát, nâng cao chất lượng các hoạt động đô thị như: (i) Vai trò của dịch vụ công và khu vực tư nhân trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống; (ii) Tầm quan trọng của sự chú ý đến thiệt hại do các hoạt động đô thị gây ra; (iii) Tầm quan trọng của khái niệm quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt; (iv) Tăng trưởng kinh tế bền vững…

22A11032 4 e1668849349930

4. Về quản lý rủi ro đối với đô thị

Tất cả các đô thị đều nằm trong và chịu ảnh hưởng bởi môi trường thiên nhiên. Con người sống hài hòa và đề cao tiềm năng của các giá trị thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng có thể chịu những tác động tiêu cực, thậm chí mang tính thảm họa khi các sức mạnh thiên nhiên được biểu hiện với một cường độ bất thường. Trong thực tế, các thảm họa thiên nhiên xảy ra thường lặp đi lặp lại đối với các đô thị, ngày càng có xu hướng tăng dần về cấp độ và tầng suất do tác động tiêu cực của con người gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Không chỉ vậy, chúng ta cũng thấy rằng, quá trình xây dựng và phát triển đô thị, các rủi ro công nghiệp và công nghệ cũng là vấn đề đáng lo ngại, thậm chí là hơn nhiều so với rủi ro từ thiên nhiên vì những tác động của nó kéo dài, gây ô nhiễm đất, nước và không khí, là mối đe dọa tiềm tàng đến sức khỏe của người dân trong đô thị. Thêm nữa, tình trạng bất ổn và bạo lực ở đô thị có nguy cơ càng gia tăng do nguyên nhân và điều kiện: (i) mang tính xã hội (tình trạng thất nghiệp, nền kinh tế khó khăn, tâm lý văn hóa… ) và (ii) mang tính pháp lý hình sự (việc vận hành của hệ thống pháp luật, cơ chế áp dụng, sửa đổi bộ luật hình sự…). Những hoạt động gây tổn hại này hình thành nên một loại nguy cơ mới cho đô thị.

Việc quản lý khủng hoảng, đưa chúng về các tình huống bình thường nhất đang trở thành đòi hỏi cấp bách và cần có các giải pháp phù hợp. Trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng các văn bản, chính sách quản lý rủi ro; thành lập các cơ quan phòng chống, cứu nạn trước các rủi ro thông thường; quản lý và dự kiến các tình huống khủng hoảng. Cụ thể là: (i) kiểm soát sự tái diễn của các rủi ro thiên nhiên; (ii) nâng cao nhận thức người dân, huy động nhân lực và để các tổ chức, cá nhân hiểu, thực hiện tốt vai trò của mình trong việc xử lý các khủng hoảng một cách hiệu quả, nhanh chóng, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản; (iii) thường xuyên tổ chức các hoạt động huấn luyện, tập huấn, diễn tập phòng chống các sự cố; (i) tổ chức kiểm tra, đánh giá nhằm kịp thời xử lý, giám sát, không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng và xây dựng các kế hoạch ứng phó khi có sự cố.

22A11032 5

Kết luận

Có thể thấy, với điều kiện thuận lợi và tận dụng tốt cơ hội, đô thị TP Quảng Ngãi từng bước trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực. Vì vậy, các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị bên cạnh việc nghiên cứu và thực thi 04 định hướng lớn thì cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, định hướng quy hoạch phát triển đúng đắn, khai thác hiệu quả quỹ đất và tài nguyên đồng thời có các biện pháp quyết liệt, kịp thời để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Chính vì lẽ đó, chính quyền đô thị cần xem tầm nhìn thông minh là nền tảng quyết định mọi kế hoạch hành động với đích đến cuối cùng là hướng đến sự phát triển bền vững, không đánh đổi phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Mà ở đó, cư dân đô thị sẽ được trải nghiệm các dịch vụ tối ưu, giải quyết cơ bản những rủi ro do đô thị gây ra nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ và mạnh. Chỉ có như vậy thì TP Quảng Ngãi sẽ phát triển mạnh mẽ, tối ưu được các tiềm lực sẵn có, trở thành trung tâm kinh tế và là đô thị thông minh, phát triển bền vững, có chất lượng sống tốt… trong tương lai.

TS.KTS. Phan Bảo An – ThS.KTS Lê Thị Kim Anh
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)

Tác giả: Phúc Trịnh