17/02/2021 152 lượt xem
Phóng to/ thu nhỏ chữ:

Quảng Ngãi quyết tâm thay đổi để tăng tốc phát triển

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm cao độ nhằm đẩy lùi và xóa bỏ những trì trệ tồn tại lâu nay, đưa tỉnh vào nhóm phát triển khá ở khu vực miền Trung trong giai đoạn 2021 – 2025.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch

Khép lại năm 2020 đầy biến động, năm 2021 hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới để Quảng Ngãi phát triển nhanh, tiến vững chắc, tạo nên bức tranh kinh tế với gam màu tươi sáng.

Để đạt được mục tiêu kỳ vọng, theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giai đoạn 2021 – 2025, đó là huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bố trí vốn đầu tư công hợp lý; rà soát, bãi bỏ và thay thế các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển…

Những nhiệm vụ cụ thể là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thành quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế Dung Quất; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương và nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn…

quang-ngai

Theo ông Ngô Văn Trọng, Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm; Dự án Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng lên 9 triệu tấn/năm; các nhà máy điện khí tại Khu kinh tế Dung Quất; Dự án Bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất…

“Đồng thời, Quảng Ngãi tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung”, ông Ngô Văn Trọng thông tin.

Để biến những kế hoạch, chiến lược thành hành động cụ thể, ông Đặng Văn Minh cho biết, năm 2021, lãnh đạo tỉnh, từ Tỉnh ủy đến UBND tỉnh đã thống nhất xuyên suốt là sẽ thay đổi mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy lùi, xóa bỏ những trì trệ tồn tại lâu nay. Trong đó, từng ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và UBND gắn với ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách. Vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành nào, thì ngành đó phải giải quyết kịp thời; không để tình trạng nội dung, thẩm quyền của sở, ngành mà đẩy lên lãnh đạo tỉnh.

Với khát vọng đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung vào năm 2025, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi xác định quyết tâm chính trị cao nhất, đoàn kết trong tập thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Với quyết tâm đó, bà Vân tin tưởng rằng, kinh tế – xã hội của tỉnh sẽ phát triển nhanh, bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, quê hương núi Ấn, sông Trà ngày càng giàu đẹp.

Tái cơ cấu ngành

Một trong những giải pháp đột phá quan trọng để đưa Quảng Ngãi vào tỉnh khá trong khu vực miền Trung là tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất công nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, cần tích cực hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa.

“Đôn đốc các nhà máy đã và đang hoạt động tiếp tục phát huy công suất; chủ động theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nhất là các mặt hàng, nhóm hàng, ngành hàng đang có lợi thế về nguyên vật liệu, thị trường; chủ động các giải pháp khắc phục khó khăn trong trường hợp Covid-19 tái bùng phát”, ông Đặng Văn Minh chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho biết, Quảng Ngãi sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân. Tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với năng suất cao, giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu; xây dựng có hiệu quả các vùng chuyên canh tại 5 huyện miền núi; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 6 xã, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu. Đặc biệt, phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Ngãi đã đặt ra cùng với tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ du lịch ở các khu, điểm du lịch như Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Bình Châu…; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở những nơi có điều kiện; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa thế mạnh, chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mức 1.400 triệu USD/năm.

Phát triển hạ tầng và đa dạng thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Đức Thạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2020, do tác động của Covid-19, nên xã hội bị giãn cách, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng Quảng Ngãi đã làm việc, hỗ trợ và đón tiếp một số đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư.

Qua đó, tỉnh đã hướng dẫn thủ tục đối với một số dự án như Khu du lịch nghỉ dưỡng Thạch Bích của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; Khu thương mại – dịch vụ và trưng bày sản phẩm thép Nam Kim (Công ty TNHH một thành viên Nam Kim Organic Farm); Trung tâm Dịch vụ đăng kiểm và sát hạch lái xe Đất Quảng, kết hợp đầu tư hệ thống chuỗi thương mại dịch vụ (Liên doanh Công ty cổ phần Dịch vụ cấp nước Sa Huỳnh – Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ARMO); Công viên Nghĩa trang Điền Thuận (Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ môi trường Xanh); một số dự án về du lịch và khu đô thị sinh thái của Tập đoàn Vingroup; hỗ trợ thủ tục chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Gifu Kogyo Việt Nam (Nhật Bản)…

Theo ông Nguyễn Đức Thạnh, trong năm 2021, công tác thu hút đầu tư sẽ quan tâm đến chất lượng dự án, ưu tiên thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, cảng biển, hệ thống logistics, công nghệ sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư.

Để có kết quả thu hút đầu tư khả quan, theo ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, địa phương huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, các công trình trọng điểm.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh giải pháp kinh tế, Quảng Ngãi tiếp tục huy động nguồn lực từ quỹ đất và nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị TP. Quảng Ngãi và kết cấu hạ tầng đô thị cấp huyện.

Liên quan công tác thu hút đầu tư, ông Đặng Văn Minh cho biết, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để tiếp cận nhanh, kịp thời, có hiệu quả các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam cũng là giải pháp mà Quảng Ngãi hướng đến trong nhiệm kỳ này.

Không những vậy, tỉnh khẩn trương khơi thông các điểm nghẽn để khai thác nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư phát triển trong năm 2021; xây dựng và triển khai đồng bộ Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2021 với đầy đủ 5 nội dung, trong đó chú trọng cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo: baodautu.vn

Tác giả: Phúc Trịnh