Ông Trần Văn Kiên ( trankien69@ …) muốn được luật sư tư vấn tình huống giao dịch tài sản khi gia đình có thành viên mất năng lực hành vi dân sự.
Bố ông Kiên muốn chuyển nhượng một phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung cho hộ gia đình. Khi lập hợp đồng phải có đủ thành viên trong hộ tham gia ký kết với bên mua, nhưng em ông Kiên năm nay 37 tuổi, không có vợ con và bị mắc bệnh tâm thần, không thể ký kết hợp đồng. Ông Kiên hỏi, gia đình ông phải làm thế nào trong trường hợp này.
Câu hỏi của ông Trần Văn Kiên được Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 43 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, thì trường hợp hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình thì ghi họ, tên chủ hộ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đó, cá nhân chủ hộ giao dịch tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình mà không được sự đồng ý của các thành viên trong hộ thì giao dịch đó vô hiệu; muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc mọi thành viên hộ gia đình phải tham gia ký kết hợp đồng với bên nhận chuyển nhượng.
Nếu có thành viên bị mắc bệnh tâm thần không thể tham gia giao dịch được. Để đảm bảo điều kiện về chủ thể giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật, người có quyền và lợi ích liên quan trong hộ gia đình cần gửi đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người mắc bệnh tâm thần mất năng lực hành vi dân sự.
Sau đó người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự cùng các thành viên khác trong hộ tham gia ký kết hợp đồng với bên nhận chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, khoản 3, Điều 319 và khoản 2, Điều 321 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định người có quyền và lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Kèm theo đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu, thì Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Nếu người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng thì cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên theo quy định tại khoản 3, Điều 62 Bộ luật Dân sự.
Như vậy, người giám hộ của họ là người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự quy định tại khoản 3, Điều 141 Bộ luật Dân sự
Đối với trường hợp ông Kiên hỏi quyền sử dụng đất của gia đình ông được nhà nước giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung cho hộ gia đình. Do vậy, để giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp về mặt chủ thể, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong hộ gia đình ông Kiên cần phải gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi gia đình ông cư trú, yêu cầu Tòa án tuyên bố người em của ông mất năng lực hành vi dân sự, sau đó người giám hộ của em ông là đại diện theo pháp luật của em ông, cùng với các thành viên khác trong hộ gia đình giao kết hợp đồng với bên nhận chuyển nhượng.
Trường hợp nếu bố hoặc mẹ ông Kiên còn sống, có đủ năng lực hành vi dân sự thì bố hoặc mẹ ông là người giám hộ đương nhiên đồng thời là người đại diện theo pháp luật của em ông.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.