Quảng Ngãi nổi tiếng là nơi có nhiều cảnh đẹp. Tương truyền từ thời thi sĩ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi (1750), ông đã vịnh “thập cảnh” Quảng Ngãi. Các Nho sĩ địa phương vịnh hai cảnh đẹp khác, hình thành nên 12 cảnh và gọi chung là “Cẩm Thành thập nhị cảnh”. Sau đây xin lần lượt giới thiệu 12 cảnh đẹp ấy của tỉnh Quảng Ngãi.
THIÊN ẤN NIÊM HÀ
Núi Thiên Ấn nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía đông huyện lỵ Sơn Tịnh và phía bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, trên địa phận xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh. Núi cao 106m, bốn mặt núi có hình thang cân, nhìn từ xa trông như một ấn trời đóng trên dòng sông Trà nên cổ nhân gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời đóng trên sông). Người dân Quảng Ngãi xem núi là linh sơn của vùng đất này. Núi có nhiều cỏ tranh và cây cổ thụ. Trên núi đất bằng phẳng, có chùa Thiên Ấn là danh lam với quần thể tháp mộ các thiền sư cao tăng mang dáng uy nghi, trầm mặc. Phía tây nam đỉnh núi là nơi yên nghỉ của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Thiên Ấn niêm hà tượng trưng cho sĩ khí Quảng Ngãi.
THIÊN BÚT PHÊ VÂN
Núi Thiên Bút nằm ở địa phận phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi, cao 60m, hình chóp nón, trên núi có nhiều cây, trông xa tựa như ngọn bút lông chỉ lên trời. Về phía đông núi có hòn Nghiên tựa như nghiên mực. Vào buổi chiều tà có dải mây thấp thoáng in bóng đàn nhạn bay qua đỉnh núi, người xưa thường bảo ấy là lúc “Thiên Bút phê vân” (bút trời viết lên mây). Núi tượng trưng cho văn khí của Quảng Ngãi. Hiện nay trên đỉnh núi còn dấu tích một đền tháp Chăm cổ.
CỔ LUỸ CÔ THÔN
Cổ Lũy cô thôn nằm ở địa phận xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa. Bên trong có núi Phú Thọ (còn có tên là núi Đá Đen hay Thạch Sơn), cao 60m, rộng chừng 8 ha, trên núi còn dấu vết đồn lũy, thành quách Chămpa. Núi có chùa Hang với huyền tích con cọp thần. Đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt bao quát trông về dòng sông Trà hùng vĩ, cửa Đại nên thơ, rừng dừa xanh Cổ Luỹ, đảo Lý Sơn thấp thoáng trong khói sóng biển xanh, phía tây là đồng bằng Quảng Ngãi xanh tít tắp. Thôn Cổ Lũy như cắt khỏi đất liền. Tương truyền, Nguyễn Cư Trinh khi đứng trên núi trông về xóm Mồ Côi của những người dân chài đơn độc bên cửa Đại, đã gọi là Cổ Luỹ cô thôn (thôn Cổ Lũy cô quạnh).
LONG ĐẦU HÝ THỦY
Núi tọa lạc ở thị trấn huyện lỵ Sơn Tịnh. Tương truyền khí mạch của dãy núi Long Đầu khởi phát từ núi Thình Thình (đông nam huyện Bình Sơn) rồi chạy về phía nam dừng lại bên bờ sông Trà Khúc mà giỡn nước, nên cổ nhân gọi là Long Đầu hý thủy (đầu rồng giỡn nước). Tại đây có vực rất sâu, gắn với truyền thuyết vua Nam Chiếu bên bờ sông Trà. Núi Bàu Lác là đỉnh cao của dãy Long Đầu, trên đó một trống đồng Héger loại I đã được phát hiện. Phía tây là núi Sứa, nơi các nhà khảo cổ học tìm thấy mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh.
LIÊN TRÌ DỤC NGUYỆT
Hồ tọa lạc ở thôn Liên Chiểu, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ. Nơi đây có hồ sen rộng, soi bóng núi Xương Rồng ở phía tây, vào những đêm trăng thanh nên thơ huyền ảo, đi thuyền trên hồ thấy bóng trăng thấp thoáng dưới sen, chìm trong đáy nước nên cổ nhân gọi là Liên Trì dục nguyệt (trăng tắm ao sen). Phía bắc hồ có di tích ngôi đền Quan Thánh, có tạc 4 pho tượng cao hơn 3m, diễn tả sự tích vào đêm trăng hồn Quan Công bay xuống núi đàm đạo cùng Phổ Tĩnh thiền sư và hóa duyên theo Phật.
HÀ NHAI VÃN ĐỘ
Bến sông tọa lạc ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Ngày trước nơi đây trên bến dưới thuyền tấp nập, những người dân vùng bờ bắc sông Trà Khúc thường qua lại để buôn bán, lao động sản xuất. Vào những buổi chiều tà khi ánh dương đỏ trên rặng Thạch Bích phía tây, soi bóng những con thuyền lờ lững qua sông, làm cho lòng người buồn man mác, nên người ta đặt là Hà Nhai vãn độ (đò chiều Hà Nhai).
THẠCH BÍCH TÀ DƯƠNG
Một cảnh đẹp hùng vĩ nên thơ nằm về phía đông nam huyện Sơn Hà, giáp huyện Minh Long. Thạch Bích (Đá Vách) là ngọn núi cao nổi tiếng của Quảng Ngãi, thế núi quanh co đứng cao chót vót, cây cối rậm rạp, vách đá dựng ngược, sắc đá màu ngọc lúc ráng chiều nên được gọi là Thạch Bích tà dương (bóng chiều Thạch Bích). Cảnh vật nơi đây thay đổi từng thời khắc trong ngày, đặc biệt là mỗi buổi chiều tà, khi vạn vật bắt đầu chìm vào bóng đêm thì trên đỉnh Thạch Bích vẫn còn sáng bừng ánh hoàng hôn, tạo nên một vẻ đẹp vừa oai hùng vừa thơ mộng.
AN HẢI SA BÀN
Vùng An Hải phía bắc cửa Sa Kỳ có núi thấp chạy sát mép biển bỗng dưng uốn cong tạo eo lõm vào đất liền. Vùng đất eo lõm này toàn là cát trắng phau. Mùa gió nồm đông thổi vào tạo nên lốc xoáy vun cát lên, đứng trên núi nhìn xuống trông giống hình dáng cái mâm cát khổng lồ rất đẹp, nên gọi là An Hải sa bàn (mâm cát An Hải).
THẠCH CƠ ĐIẾU TẨU
Tọa lạc ở mũi đất phía nam cửa biển Sa Kỳ, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 16km về hướng đông bắc. Đó là một dãy đá thiên nhiên thẳng hàng, ở giữa có một tảng đá in hình hai dấu chân người, bên cạnh là một hang đá lộ thiên, mỗi khi sóng biển dội vào hang đá nước phun lên rất đẹp, trông như lò nấu rượu. Trên một tảng đá có in hnh một vết lõm trông giống như dấu bàn chân, gọi là bàn chân ông khổng lồ. Ngoài mép nước một hòn đá đen nổi lên ở cửa biển trông như người ngồi câu giữa dòng nước, gọi là Thạch cơ điếu tẩu (ông câu trên ghềnh đá).
LA HÀ THẠCH TRẬN
Thuộc thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa. Nơi đây có nhiều tảng đá nằm dưới gò đồi. Tương truyền xưa kia trong vùng còn hoang vắng, gió thổi qua đây gầm rất mạnh, tưởng như có cả một đoàn quân mai phục, nên gọi là La Hà thạch trận (trận đá La Hà). La Hà gồm 3 cụm núi đá liên hoàn: núi La Hà, núi Đá Chẻ, núi Hùm. Do việc khai thác đá chưa được kiểm soát, nên ngày nay thắng cảnh này đã gần như bị phá hủy thành phế tích.
VÂN PHONG TÚC VŨ
Vân Phong là tên một dãy núi cao nằm ở phía nam huyện Trà Bồng và nam huyện Tây Trà, còn gọi là núi Cà Đam. Đỉnh núi cao vút lên giữa tầng trời được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi trùng điệp, trông ngọn núi rất tươi sáng. Nhìn về phía chóp núi lúc nào cũng thấy mây bay dờn dợn bao phủ, trông khí sắc giống như trời vào buổi tinh mơ hay sau khi mưa tạnh nên được gọi là Vân Phong túc vũ (mưa trong núi Vân Phong).
VU SƠN LỘC TRƯỜNG
Vu Sơn là ngọn núi cao nằm về phía tây của huyện Bình Sơn. Nhìn từ xa, ngọn núi như điểm phát mạch cho các dãy núi thấp hơn chạy về đồng bằng. Trên vùng triền núi phía tây có rừng cây rậm rạp tươi tốt, là nơi hươu nai về tụ tập rất đông nên gọi là Vu Sơn lộc trường (bãi nai ở núi Vu).
Nguồn: www.quangngai.gov.vn