Có những người hy vọng nhà nước giải cứu bất động sản, vì lo sợ thị trường sụp đổ, sẽ mất cả chì lẫn chài và có người còn phải ôm thêm đống nợ do dùng đòn bẩy. Có những người lại nói không nên giải cứu, vì sẽ tạo tiền lệ cho các đơn vị bất động sản dựa dẫm, ỷ lại, cứ sai đi vì nhà nước sẽ cứu.
Chủ tịch tập đoàn Hòa Bình – Ông Lê Viết Hải “ Không ai có thể cứu được thị trường bất động sản lúc này ngoài nhà nước”. Khi các doanh nghiệp bất động sản kêu cứu, Bộ Xây Dựng nói doanh nghiệp phải xem lại chính mình.
Chúng ta đã quá quen với cụm từ GIẢI CỨU nhưng với nông sản trái cây nó khác hoàn toàn với bất động sản. Không lẽ giải cứu bất động sản là chúng ta mỗi người mua ủng hộ vài bất động sản cho các doanh nghiệp như mua vài ký trái cây ư? Hay chỉ cần nhà nước bơm tiền tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp bất động sản?
Tại sao lại kêu gào tháo gỡ khó khăn về pháp lý? Quy trình pháp lý bất động sản xưa nay vốn đã nhiều tầng nhiều lớp, chúng ta đều rất rõ, các đơn vị doanh nghiệp bất động sản còn có cả đội ngũ pháp lý riêng.
Hiểu rất chi tiết đường tơ kẽ tóc về pháp lý, nhưng tại sao họ vẫn triển khai bán khi chỉ mới có 1/2000, 1/500? Họ làm cuốn chiếu tới đâu xin tới đó, họ muốn đánh nhanh thắng nhanh, họ tin chi phí bôi trơn sẽ làm tốt nhiệm vụ của nó, họ tin mình có thể phát hành trái phiếu, họ tin họ còn có ngân hàng hỗ trợ…họ muốn đặt nhà nước vào thế đã rồi, buộc phải chấp nhận vì lúc ấy ngoài họ còn có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nên xin đừng kêu gào tháo gỡ pháp lý, vì vấn đề các doanh nghiệp kêu gào bởi họ ôm quá nhiều dự án, dự án nào cũng đang nửa vời, cũng đều có vướng pháp lý, làm dự án này chưa xong pháp lý đã chạy bán dự án mới. Dự án chồng dự án, pháp lý chồng pháp lý, nút thắt này chưa gỡ đã thêm nút thắt mới, thì lỗi là do ai? Do nhà nước hay do doanh nghiệp?
Tại sao nợ lại trở thành khó khăn? Không riêng bất động sản, các ngành khác đều dùng đòn bẩy, thậm chí cá nhân người dân cũng dùng đòn bẩy. Khi dùng đòn bẩy là đã phải lường trước rủi ro, vậy phương án quản trị rủi ro của doanh nghiệp, cá nhân có được quan tâm, theo dõi? Phải chăng chính những giai đoạn làm ăn thuận lợi, hoạt động kinh doanh thắng liên tục đã khiến doanh nghiệp lơ là, ảo tưởng vào sức bật của thị trường, ảo tưởng vào thương hiệu của chính mình? Mỗi dự án là một khoản nợ, mỗi dự án là một lượng hàng tồn kho, càng triển khai nhiều dự án thì càng nhiều khoản nợ, càng nhiều hàng tồn kho. Nợ cũ chồng nợ mới, hàng tồn cũ chồng hàng tồn mới, lỗi này do ai?
Đừng lấy nền kinh tế làm con tin để kêu gọi giải cứu bất động sản. Sẽ không có chuyện giải cứu bất động sản, mỗi doanh nghiệp phải tự lực cánh sinh tháo gỡ khó khăn do chính mình dựng lên. Như thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cùng gỡ khó khăn cho bất động sản để cùng phát triển chứ “không ai giải cứu cho ai”.
Thủ tướng cũng nói” Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung”. Việc dùng lãi bù lỗ lúc khó khăn như hiện tại là khó khả thi, vì lãi đã được đem chia lợi nhuận cho các anh, cho các khoản thưởng doanh số, thưởng chỉ tiêu, chi phí ăn mừng, chi phí du lịch, chi phí tài trợ đánh bóng thương hiệu, chi gom thêm dự án, gom thêm quỹ đất… chỉ có bán bớt dự án, quỹ đất thì các doanh nghiệp bất động sản mới vượt khó được.
Đây không chỉ là bài học cho các doanh nghiệp bất động sản, nó còn là bài học cho những nhà đầu tư dùng đòn bẩy quá đà. Đừng mua quá nhiều thứ mà ta chưa cần với lý do đầu tư khi nó vượt quá xa khả năng kiếm tiền của bản thân. Điều mâu thuẫn nhất là người ta đang mang nợ nhưng lại nghĩ mình đang có tài sản. Để có tài sản chúng ta có thể nợ nhưng nên cân nhắc số nợ vừa tầm, vừa sức nếu không thứ cuối cùng còn lại chỉ là nợ.
Theo: Trần Truyền